Tham dự sự kiện, có 3 Phó Thủ tướng Campuchia, lãnh đạo một số bộ, ngành của Campuchia và Việt Nam cùng khoảng 8.000 người dân khu vực biên giới hai nước.
Đưa kinh tế, thương mại, đầu tư thành trụ cột hợp tác hai nước
Dự án Chợ Đa được khởi công xây dựng từ ngày 16/1/2018 tại khu kinh tế đặc biệt Thary Tboung Khmum, làng Đa Kandorl, xã Đa, huyện Memot, tỉnh Tboung Khmum, Campuchia, với diện tích 19.628 m2 . Chợ Đa được xây dựng với tổng mức đầu tư gần 45 tỷ đồng, từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Campuchia.
Cùng với các công trình hợp tác khác, Chợ Đa là minh chứng rõ nhất thể hiện mong muốn của hai nước trong việc không ngừng gia tăng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, với mục tiêu từng bước đưa lĩnh vực này trở thành một trụ cột quan trọng trong hợp tác bền vững, lâu dài giữa hai nước.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của Việt Nam giúp Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng cũng như sự trợ giúp chí tình của Việt Nam giúp Campuchia hồi sinh đất nước ngay cả khi Việt Nam cũng đang gặp khó khăn vì bao vây cấm vận; khẳng định Chợ Đa -chợ biên giới kiểu mẫu sẽ là nơi giao thương biên mậu quan trọng, góp phần xoá đói nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng biên; qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định Chợ Đa là công trình gắn với các ký ức lịch sử trong những năm 1970 - 1972. Chính tại nơi đây, Thủ tướng Hun Sen đã tham gia nhiều trận đánh oanh liệt chống đế quốc Mỹ.
“Khu vực chiến trường xưa, nay đã thành khu vực biên giới hoà bình, ổn định, phát triển phồn vinh; thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa tỉnh Tbong Khmum với các tỉnh giáp biên của Việt Nam cũng như tình cảm gắn bó giữa người dân hai bên biên giới”, Thủ tướng Hun Sen nói.
Thủ tướng Hun Sen cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước, với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên hơn 5 tỷ USD ngay trong năm 2020. Trước mắt phải đẩy mạnh hợp tác biên mậu, thông qua các cặp cửa khẩu quốc tế, các chợ biên giới giữa hai nước. Cùng với đó, khuyến khích hợp tác thương mại, đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước.
Với việc hoàn thành 84% công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Việt Nam và Campuchia đã thành công trong việc “đưa khu vực biên giới trước đây là chiến trường trở thành thị trường; đưa biên giới Campuchia với các nước láng giềng thành các đường biên giới hợp tác, phát triển”. Đó cũng là nguyện vọng chung của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại sự kiện. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Việt Nam, Campuchia có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác lâu đời. Hai nước từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong lịch sử tuy nhiên với truyền thống hữu nghị, láng giềng gắn bó lâu đời, hai nước đã tiếp tục dành cho nhau sự giúp đỡ to lớn, hiệu quả.
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao; các kênh hợp tác giữa hai Chính phủ, và các bộ, ngành, địa phương; các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước. Đặc biệt, hai nước đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2006-2019 và lễ ký 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả công tác phân giới, cắm mốc đã đạt được đến nay.
Cùng với đó, hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia cũng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua, ngày càng trở thành trụ cột quan trọng trong mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Kim ngạch thương mại hai nước ước tính vượt ngưỡng 5 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2020. Việt Nam hiện có 214 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đăng ký hơn 3,3 tỷ USD, là một trong 5 nước đầu tư lớn nhất tại Campuchia. Việt Nam cũng đang tiếp tục hỗ trợ Campuchia triển khai nhiều dự án viện trợ quan trọng.
Bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác mà hai bên có thể mở rộng hợp tác để cùng hướng tới thành công trong thời gian tới.
Công trình tạo động lực phát triển giao thương biên giới
Khẳng định đây là một công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng Chợ Đa, với vị trí thuận lợi và được sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân biên giới hai nước, chắc chắn sẽ trở thành nơi giao thương biên mậu quan trọng, góp phần xoá đói nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng biên; qua đó làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
“Công trình chính là biểu tượng tốt đẹp của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên, tạo động lực mới cho việc phát triển thương mại trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, góp phần kết nối nền kinh tế hai nước", Phó Thủ tướng khẳng định và mong muốn sau khi Chợ Đa chính thức được đưa vào sử dụng, hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại ở khu vực biên giới sẽ nhộn nhịp hơn, tình cảm giữa nhân dân hai bên biên giới sẽ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn.
“Lễ khánh thành - bàn giao Chợ Đa hôm nay không chỉ là ngày vui của nhân dân tỉnh Tây Ninh (Việt Nam) và Tboung Khmum (Campuchia) mà còn là ngày vui chung của cư dân biên giới hai nước - những người đặt nhiều kỳ vọng vào dự án này”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Ban Quản lý dự án, nhóm công tác của hai nước đã phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai xây dựng Chợ Đa để có được kết quả tốt đẹp như hôm nay.
“Đề nghị các bộ, ngành, địa phương hai nước tiếp tục phối hợp gìn giữ, vận hành, khai thác có hiệu quả Chợ Đa, để công trình này sẽ mãi là biểu tượng và là công trình kiểu mẫu của hợp tác biên mậu giữa hai nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh với các bộ, ngành, địa phương hai nước.