Như bài trước Ngày Nay đã đăng tải, công ty cổ phần Cảng Phú Định (tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM) có phương án cổ phần hóa nên đã chọn hình thức theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ để chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Hình thức này là "Kết hợp vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ". Vốn điều lệ dự kiến của Cảng Sông TPHCM dự kiến 330 tỷ đồng, mệnh giá một cổ phần 10.000 đồng và với số lượng 33 triệu cổ phần.
Tháng 10/2014, UBND TPHCM ban hành quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM thành công ty cổ phần. Tháng 12/2014, Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM cổ phần hóa thành công đổi tên thành Công ty cổ phần Cảng Phú Định. Vốn điều lệ của công ty là 330 tỷ đồng. Một doanh nghiệp tư nhân sở hữu tỉ lệ 25,39% vốn.
Đầu năm 2017, Công ty cổ phần Cảng Phú Định quyết định tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Một doanh nghiệp tư nhân đã nhận chuyển nhượng 34,34 triệu cổ phần ở Công ty cổ phần Cảng Phú Định. Doanh nghiệp này tăng lượng cổ phần nắm giữ tại Cảng Phú Định lên 59,73 triệu cổ phần, tương đương 597,27 tỷ đồng, chiếm 59,73% vốn điều lệ tại Công ty Cảng Phú Định.
Từ đây, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã trở thành công ty con của doanh nghiệp tư nhân.
Để làm rõ những vấn đề này, Ngày Nay đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM về tính pháp lý xung quanh dự án này.
Phóng viên: Thưa ông, căn cứ theo nội dung trên, Công ty cổ phần Cảng Phú Định (tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM) đã có chiến lược cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và trở thành doanh nghiệp chỉ nắm giữ 49% vốn nhà nước có bất thường không? Theo Luật sư thì mấu chốt của vấn đề này như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: Chính phủ ban hành Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007. Theo đó, thay vì quy định 6 đối tượng như trước đây, theo Nghị định này có 3 đối tượng được cổ phần hóa. Cụ thể:
Các đối tượng được cổ phần hóa gồm:
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty TNHH) một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước);
+ Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là DN thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ DN 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành Công ty TNHH một thành viên.
Các DN trên thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 2 điều kiện là: không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ (Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ) và còn vốn Nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN.
Nhiều trang mạng rao bán dự án bất hợp pháp tại Cảng Phú Định. |
Căn cứ các nội dung trên, Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM được là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vốn điều lệ khi cổ phần hóa.
Hiện nay, Luật doanh nghiệp không có quy định về khái niệm “cổ phần chi phối”. Từ đó, dẫn đến việc “cổ phần chi phối” có nhiều cách hiểu, cụ thể: cổ phần chi phối có thể được hiểu là sở hữu trên 65% vốn điều lệ; sở hữu trên 50% vốn điều lệ; hoặc sở hữu trên 36% vốn điều lệ.
Việc không có quy định cụ thể về khái niệm “cổ phần chi phối” và Công ty TNHH MTV Cảng Sông TP.HCM cũng được phân loại là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vốn điều lệ khi cổ phần hóa nên khi cổ phần hóa công ty Cảng Sông đã đưa ra phương án giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống dưới 50%. Mục đích giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống còn 49% là để thu hút đầu tư bên ngoài.
Thưa ông, chiến thuật “bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai” của Công ty cổ phần Cảng Phú Định có thực hiện đúng các quy định của pháp luật không?
Căn cứ điểm b khoản 3 điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP: “Việc tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc danh mục Nhà nước tiếp tục nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”. Tuy nhiên, căn cứ các nội dung được cung cấp, Công ty TNHH MTV Cảng Sông TPHCM là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vốn điều lệ khi cổ phần hóa và công ty này cũng đề ra phương án giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống còn 49%. Nếu căn cứ quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì Công ty Cảng Phú Định không được tổ chức bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược.
Tuy nhiên, tại thời điểm Công ty Cảng Sông (nay là Công ty Cảng Phú Định) thực hiện cổ phần hóa thì Nghị định 126/2017/NĐ-CP chưa được ban hành.
Căn cứ điểm đ khoản 3 điều 6 Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược được xác định theo nguyên tắc: “Đối với trường hợp bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai”.
Theo ông, việc tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Cảng Phú Định rồi sau đó, một doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cổ phần từ Công ty Cảng Phú Định để nắm quyền chi phối hoạt động của công ty có đúng quy định pháp luật hay không?
Căn cứ điều 123 Luật Doanh nghiệp: Chào bán cổ phần là việc công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán để tăng vốn điều lệ. Hình thức công ty Cảng Phú Đình lựa chọn là chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu.
Căn cứ khoản 1 điều 124 Luật Doanh nghiệp: Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là trường hợp công ty tăng thêm số lượng cổ phần, loại cổ phần được quyền chào bán và bán toàn bộ số cổ phần đó cho tất cả cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ tại công ty.
Do đó, việc chưa căn cứ vào tỷ lệ sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp mà bán 34,34 triệu cổ phần là chưa hợp lý.
Ông có đề xuất gì để ngăn chặn những “lổ hổng” khiến các doanh nghiệp nhà nước sau mỗi lần cổ phần hóa đều trở thành tài sản của doanh nghiệp tư nhân?
Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin trong quá trình cổ phần hóa như về triển khai các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa và quyền được tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư, danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, lộ trình cổ phần hóa thoái vốn theo cơ chế thị trường; quy định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược ( bao gồm cả nhà đầu tư chiến lược nước ngoài)…góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện cổ phần hóa.
Mọi hành vi quảng cáo, rao bán nhà, đất dự án Khu đô thị tại Dự án này là bất hợp pháp. |
Các lỗ hổng về đất đai, quản lý đất đai khi cổ phần hóa gây thất thoát, lãng phí đã được khắc phục. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát toàn bộ diện tích đang quản lý, sử dụng để lập và hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước thời điểm cổ phần hóa.
Tuy nhiên, Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau cổ phần hóa không để xảy ra sai phạm hoặc để xảy ra tình trạng sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định để kinh doanh bất động sản làm nhà ở, chung cư thương mại để kiếm lời, gây phương hại và thất thoát tài sản nhà nước.
Đồng thời rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời loại bỏ, sửa đổi và ban hành cơ chế, chính sách pháp luật cần thiết như quy định hoặc hướng dẫn về xác định giá trị quyền được thuê đất của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa và thực hiện xây dựng giá trị doanh nghiệp và xác định giá khởi điểm để thoái vốn nhà nước;
Hoàn thiện khung pháp lý về xác định giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp, quy định cụ thể về xử lý cổ tức hoặc lợi nhuận của Nhà nước chưa chia trước khi thoái vốn hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp; duy trì tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp ở mức hợp lý nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia cổ phần hóa , tập trung cổ phần hóa về vốn và cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân sâu rộng hơn vào bộ máy quản trị doanh nghiệp đã được cổ phần hóa ; kiên quyết thu hồi đất không sử dụng, sử dụng sai mục đích…
Và một giải pháp không thể thiếu là tăng cường thanh tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, loại trừ sự tùy tiện, trục lợi tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện cổ phần hóa và xử lý nghiêm các sai phạm.
Xin trân trọng cám ơn Luật sư!