Vĩnh biệt anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh báo tin buồn đến bạn bè, người thân: chồng bà là nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa qua đời lúc 22g25 ngày 25/7 tại tư gia ở Sài Gòn.
Tác giả và anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa
Tác giả và anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sinh năm 1953 tại Chợ Lớn, Sài Gòn. Thời tuổi trẻ ông tham gia phong trào học sinh, sinh viên đô thị và bị chính quyền Sài Gòn bắt đày ra Côn Đảo.

Sau năm 1975, Lê Văn Nghĩa làm báo, chủ biên báo Tuổi trẻ cười đến khi về hưu với các bút danh: Hai Cù Nèo, Điệp Viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ… và in nhiều sách thể loại trào phúng.

Về hưu, Lê Văn Nghĩa vừa chống chọi với bệnh ung thư vừa chạy đua với thời gian để cầm bút. Ông tập trung viết nhiều sách về Sài Gòn xưa gắn với ký ức của bản thân. Đây là giai đoạn Lê Văn Nghĩa tạo nhiều ngạc nhiên và thán phục của đồng nghiệp vì nhiều người không nghĩ rằng một ngòi bút chuyên viết trào phúng như ông lại có thể khiến người đọc xúc động như vậy.

Trong chưa đầy 10 năm sau khi về hưu, Lê Văn Nghĩa đã ấn hành: Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Văn học Sài Gòn 1954-1975 (Những chuyện bên lề)…

Viết với tốc độ nhanh như vậy nhưng sách về Sài Gòn xưa của Lê Văn Nghĩa đã được bạn đọc đón nhận và tái bản nhiều lần. Có lẽ Sài Gòn chính là tâm hồn của tác giả được chuyển tải qua câu chữ chạm đến trái tim người đọc yêu quý thành phố này.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cảm thấy rất thú vị khi đọc bản thảo "Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy và “ông trùm” truyện thiếu nhi hiện nay đã viết lời giới thiệu cho tác phẩm này một cách trân trọng khi tác phẩm này ấn hành.

Nguyễn Nhật Ánh đánh giá: “Đọc truyện này của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học”. Trong xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy của tụi con nít, Lê Văn Nghĩa đã tái dựng lại đời sống một thời. Nguyễn Nhật Ánh viết: “Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển”.

Vĩnh biệt anh Hai Cù Nèo Lê Văn Nghĩa! ảnh 1

Nhà văn Lê Văn Nghĩa sống rất lạc quan, dường như ông sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Ngày ông dành thời gian viết và chiều tìm bạn làm vài chai bia rồi về.

Lê Văn Nghĩa không chỉ khiến Nguyễn Nhật Ánh ngạc nhiên, truyện về thời con nít Sài Gòn xưa, mà còn khiến cả những nhà văn viết về chiến tranh như Bảo Ninh sửng sốt. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh khi đọc Mùa hè năm Petrus của Lê Văn Nghĩa, đã phải thốt lên: “Không đến nỗi phải ngã ngửa ra vì sửng sốt, song tôi thấy ngạc nhiên vô cùng trước thực cảnh của Sài Gòn, nhất là của các trường học ở Sài Gòn thuở xưa hiện lên trong những trang sách. Thôi thì không nói rằng sự học hành của cái lớp tứ 7 ấy tốt hơn của tôi, mà là ngang bằng, nhưng ngay cả thế cũng đâu có thể. Phải kém xa tôi chứ, làm sao mà nhà văn Lê Văn Nghĩa và các bạn đồng niên lại có thể được hưởng một môi trường giáo dục học ra học, chơi ra chơi, trò ra trò, thầy ra thầy, như vậy”.

Điều Bảo Ninh ngạc nhiên nhất là chuyện về những người thầy: “Như tôi vẫn tưởng thì ở Sài Gòn ngày trước, không thể nào các thầy giáo lại là những nhà trí thức mẫu mực đáng kính, thông tuệ và nhân hậu nhường ấy, tạo tấm gương sáng và để dấu ấn sâu sắc bền lâu trong tâm khảm, tâm tính, lối sống, lối nghĩ của học trò đến như vậy”.

Chợt nghĩ, con người của hiện tại hay của tương lai đều đến từ quá khứ. Khi được thụ hưởng một nền giáo dục tốt từ quá khứ, thì hiện tại và tương lai của con người mới thật đẹp đẽ. Nhà văn Lê Văn Nghĩa đã được thụ hưởng một nền giáo dục tốt như thế.

Những năm cuối đời, nhà văn Lê Văn Nghĩa sống rất lạc quan, dường như ông sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Ngày ông dành thời gian viết và chiều tìm bạn làm vài chai bia rồi về. Tuần nào không thấy ông rủ ra vỉa hè uống bia thì lúc đó ông đang ở bệnh viện.

Nhà báo Lưu Đình Triều kể: “Nghĩa rất tự trọng không muốn phiền đến ai. Bị ung thư suốt mười năm nhưng hôm nào vô bệnh viện để cắt khối u thì Nghĩa cũng lo làm xong việc. Có lần làm chưa xong số báo, Nghĩa viết giấy nhờ tôi làm tiếp phần còn lại và dặn không cho ai biết kẻo bạn bè đi thăm mất công”.

Mang trong người cốt cách của dân Sài Gòn, Lê Văn Nghĩa lẫn vào đám đông khi ra đường trên chiếc cub cà tàng như mọi người cần lao ở thành phố này. Có lần tôi ghẹo sao anh không đổi xe tay ga chạy cho sướng. Ông nói xe còn đi ngon lành đổi chi.

Nghe nhiều người nói, cái cub này anh chở toàn “cộm cán” như Năm Cam ngồi phía sau và vài cán bộ bự nên không chịu đổi? Ông cười, thì toàn bạn học hoặc bạn tù thôi mà. Bạn học thời trẻ với ông có ông Trương Hòa Bình, bạn học sau này có ông Trương Vĩnh Trọng đều làm Phó Thủ tướng cả.

Bạn tù của Lê Văn Nghĩa có ông Trương Văn Cam, khi đó ở chung nhà tù. Ông Năm Cam tù hình sự còn Lê Văn Nghĩa tù chính trị, vậy mà mãi sau này gặp lại Lê Văn Nghĩa, Năm Cam vẫn gọi ông Nghĩa là anh Hai dù số má giang hồ ông Năm Cam hơn và tuổi đời cũng lớn hơn.

Tôi nói cái xe cub của anh hay quá, nếu anh không đi nữa thì để lại cho em nha. Thế là nhà văn viết giấy cho tôi luôn. Song anh nói: Nhưng giờ tao còn đi, mày cầm trước cái giấy. Giờ anh mất rồi, tôi xin giữ cái giấy làm kỷ niệm, còn cái xe vẫn mãi của anh với vẹn nguyên kỷ niệm, anh Hai Nghĩa nha.

Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
(Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
Phòng bệnh truyền nhiễm mùa lạnh
(Ngày Nay) - Thời tiết lạnh khiến mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ và các nhóm có nguy cơ cao như người trên 65 tuổi và phụ nữ có thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Để chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm, người dân cần chú ý: che miệng, mũi khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch có cồn; giữ ấm cơ thể…
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
(Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
Những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024
(Ngày Nay) -  Dịch sởi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, Thực hiện thành công kỹ thuật can thiệp thông tim bào thai, Triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID thay cho sổ khám bệnh… là những sự kiện nổi bật của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 được Sở Y tế Thành phố công bố chiều 22/12.
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
(Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
(Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
(Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.