Kết quả thí nghiệm được công bố ngày 11/03 cho biết virus SARS-CoV2 có thể lây lan trong không khí cũng như qua tiếp xúc với những vật thể do người bệnh chạm vào. Ngoài ra, virus này cũng có thể lây từ người sang người.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, virus có thể được phát hiện sau 3 giờ trong không khí, 4 giờ trên bề mặt đồng, 24 giờ trên bề mặt bìa cứng và tới 3 ngày trên bề mặt nhựa và thép không gỉ. Kết quả này tương đối giống với virus gây ra dịch SARS hồi năm 2003.
Các thí nghiệm được thực hiện bởi Viện Y tế Quốc gia, các trường đại học Princeton, California và Los Angeles với ngân sách từ Chính phủ Mỹ và Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ.
Trước đó, một nghiên cứu của các nhà dịch tễ học Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có thể tồn tại nhiều ngày trên một bề mặt nơi các giọt hô hấp rơi xuống, làm tăng nguy cơ lây nhiễm nếu người khác vô tình chạm vào và sau đó đưa tay lên mặt.
Thời gian virus SARS-CoV-2 tồn tại trên bề mặt phụ thuộc vào các yếu tố như nhiệt độ và loại bề mặt, ví dụ ở khoảng 37 độ C, virus có thể tồn tại trong 2 đến 3 ngày trên kính, vải, kim loại, nhựa hoặc giấy.
Nghiên cứu được nhóm chuyên gia dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc thực hiện và được đăng trên Tạp chí Thực tiễn Y học Dự phòng (Practical Preventive Medicine) của Hội Y học Dự phòng Trung Quốc.
Theo nghiên cứu, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí ít nhất 30 phút và bắn xa tới 4,5 mét.
Trong khi đó, để phòng chống COVID-19 lây lan, giới chức y tế Trung Quốc khuyến cáo mọi người nên đứng cách nhau ít nhất 1 mét ở nơi công cộng, còn Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ khuyến nghị khoảng cách an toàn là 1,8 mét.