Vụ việc xảy ra tại cơ sở nuôi hổ thí điểm tại phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương chiều 4.6.
Nạn nhân bị hổ cắn gây thương tích nặng là ông V.T.Q (49 tuổi, quê An Giang). Ông Q bị hổ cắn đứt rời cánh tay phải tới sát vai. Đến chiều 5.6, nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Châu - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phú, doanh nghiệp tư nhân Thanh Cảnh do bà Huỳnh Thị Mỹ là chủ có các giấy tờ pháp lý của cơ quan chức năng cấp tỉnh cho phép nuôi hổ.
Cơ sở nuôi hổ này nằm trên con hẻm của quốc lộ 13, có một mặt giáp sông Sài Gòn, xung quanh là khu dân cư có cả nhà trọ của công nhân ở. Trước đây, nơi này là khu du lịch sinh thái có đón tiếp khách thăm quan.
Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho thấy chuồng đang nhốt con hổ cắn đứt 2 tay người đàn ông được xây dựng rất sơ sài.
Nạn nhân bị hổ cắn đứt 2 tay đang được điều trị tại BV Chợ Rẫy, TPHCM - Ảnh: Kim Đồng |
Khu vực hiện trường, cơ quan chức năng ghi nhận có 3 con hổ đang được nuôi nhốt. Dãy chuồng hổ có 6 ô chuồng. 3 cá thể hổ được nuôi nhốt ở 3 ô chuồng đầu tiên từ ngoài vào. 3 chuồng khác bỏ trống, đang được sửa chữa.
Điều đáng nói, chuồng đang nhốt hổ chỉ được xây bằng gạch 10cm, cửa chuồng làm bằng sắt tròn đặc có đường kính 14mm (khoảng cách giữa các thanh sắt rộng 8cm), chiều cao chuồng khoảng 2m. Tại đây vẫn còn có vết máu bên trong và ngoài cửa chuồng.
Sáng 6.6, trao đổi với phóng viên về trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở nuôi hổ thí điểm này, ông Phạm Văn Bông – GĐ Sở NNPTNT Bình Dương cho biết, đơn vị kiểm lâm đã thực hiện công tác kiểm tra định kỳ mỗi quý 1 lần tại cơ sở được phép nuôi hổ. Mỗi lần như vậy, cơ quan kiểm tra liên ngành lập biên bản về chuồng trại, cách nuôi… rất bài bản và kỹ càng.
Cơ sở nuôi hổ này trước đây đón khách thăm quan, hiện đã đóng kín cửa và ngưng đón khách - Ảnh: Đình Trọng |
Về sự cố hổ cắn người dân ngày 4.6 ông Bông lý giải, đợt kiểm tra gần nhất vào tháng 3.2019, đơn vị kiểm lâm đã cảnh báo chủ cơ sở này phải sửa sang chuồng trại đảm bảo yêu cầu về nuôi nhốt hổ. Sự việc đáng tiếc vừa rồi xảy ra khi cơ sở đang sửa lại chuồng trại. Bên cạnh đó, nạn nhân có sử dựng rượu bia và chủ quan trêu chọc hổ trước khi bị cắn.
Ông Phạm Văn Bông cho biết, trong thời gian tới, Sở và các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra nghiêm ngặt điều kiện nuôi nhốt ở các cơ sở nuôi hổ thí điểm. Về cơ sở vừa xảy ra sự cố, Sở cũng đã yêu cầu chủ cơ sở tiến hành gia cố, sửa chữa gấp các chuồng hổ. Nếu cơ sở nào không đảm bảo, sẽ mạnh tay, dứt khoát phải đưa hổ đến nơi có điều kiện tốt nhất về bảo tồn động vật hoang dã.