Sáng 3/10, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT - chia sẻ với Zing.vn về việc hơn 500 giáo viên ở Đắk Lắk bị chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Minh, vấn đề tuyển dụng giáo viên thuộc quyền hạn của địa phương, cụ thể trong câu chuyện này là UBND huyện Krông Pắk. Cục Nhà giáo yêu cầu địa phương minh rõ sự việc, nhanh chóng báo cáo về Bộ để kịp thời có phương án phối hợp xử lý.
Ông Minh nêu theo nghị định nghị định số số 115/2010/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nêu rõ, UBND cấp huyện có trách nhiệm bảo đảm đủ biên chế công chức cho phòng GD&ĐT, biên chế sự nghiệp cho các cơ sở giáo dục; chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước.
Đồng thời UBND ban hành các chủ trương, biện pháp để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn.
Ông Hoàng Đức Minh cho biết ngay sau có thông tin chính thức từ Sở GD&ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý vấn đề này trên tinh thần đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đội ngũ nhà giáo.
Bộ GD&ĐT không yêu cầu thời gian cụ thể để báo cáo mà chỉ đạo địa phương rà soát, báo cáo sớm nhất trong tuần tới.
Hiệu trưởng và cán bộ địa phương thừa nhận sai sót
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Hiệu trưởng một Trường THCS trên địa bàn Krông Pắk thừa nhận tình trạng "thừa" giáo viên khiến nhà trường hết sức căng thẳng.
Ông nói nhiều năm qua không rõ vì lý do gì, căn cứ vào đâu ở trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng lao động. Nhiều giáo viên ở những bộ môn mà nhà trường đã dư nhưng vẫn đưa về, việc sắp xếp lịch dạy hết sức khó khăn.
"Năm vừa qua, huyện không giao kinh phí để chi trả cho những giáo viên dôi dư nên nhà trường đành phải giảm lương các thầy cô giáo. Chúng tôi cũng thương thầy cô nhưng thực sự không còn cách nào khác. Trách nhiệm này thuộc về những người đã ký quyết định tuyển dụng giáo viên", vị này phân trần.
Bà Ngô Thị Minh Trinh - phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết khoảng 600 giáo viên hợp đồng được chia làm hai đối tượng là giáo viên không có vị trí để xét tuyển (tức từ nay đến năm 2021 không còn vị trí để xét tuyển), số này có 200 người; giáo viên có vị trí xét tuyển khoảng 400 người nhưng chỉ tiêu biên chế năm nay chỉ cho 83 người.
Bà Ngô Thị Minh Trinh trả lời chất vấn của các giáo viên. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Tức đến hết năm 2018, tất cả các giáo viên không đủ điều kiện xét tuyển và giáo viên thi rớt đợt tuyển dụng viên chức giáo dục tháng 4/2018 sẽ bị chấm dứt hợp đồng.
Theo bà Trinh, hai năm gần đây huyện đã xin nhiều giải pháp để tuyển dụng những người đã tuyển ngoài biên chế. Tuy nhiên tinh thần chỉ đạo từ trên và các quy định hiện hành không cho phép, bởi ngay cả những người có biên chế còn bị tinh giản, huống chi là giáo viên hợp đồng.
"Thương lắm chớ, tôi cũng từng là giáo viên tôi hiểu hết nhưng không còn cách nào khác để giải quyết nên đành để các em tự tìm việc khác", bà Trinh nói.
Tổng hợp