Ngày 7/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của hai bị cáo là Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và Nguyễn Mạnh Hùng (Phó Tổng Giám đốc MobiFone) trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Trước đó, trong các ngày từ 16-28/12/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son lĩnh án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ," 16 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng," tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là tù chung thân.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng bị Tòa tuyên án phạt 2 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng."
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng, mức án tù chung thân là quá nặng đối với bị cáo, đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm và xem xét khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã trình bày nhiều nội dung, tình tiết giảm nhẹ cho mình như có nhiều thành tích, cống hiến trong công tác và chiến đấu khi ở trong quân ngũ, sức khỏe già yếu, nhiều bệnh tật…
Trong vụ án này, ngay ở giai đoạn điều tra, bị cáo đã tự khai nhận hành vi nhận hối lộ và nay đã khắc phục hết hậu quả.
“Đối chiếu với chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước, bị cáo kính đề nghị Quý Tòa cấp cao tại Hà Nội xem xét rộng lượng khoan hồng, giảm án cho bị cáo để bị cáo sau những năm tập trung cải tạo có cơ hội sớm được trở về đoàn tụ với vợ con, các cháu, họ mạc, bạn bè và đồng đội trong những năm tháng còn lại của đời mình” - bị cáo Nguyễn Bắc Son trình bày trong đơn kháng cáo.
Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mức hình phạt của Tòa cấp sơ thẩm là quá nặng đối với bị cáo, vì Tòa cấp sơ thẩm chưa chấp nhận những nội dung đánh giá bản chất hành vi khách quan của bị cáo trong vụ án. Vì vậy, bị cáo Hùng làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xem xét, xét xử theo trình tự phúc thẩm một cách khách quan và quyết định để bị cáo được miễn hình phạt.
Trong đơn, bị cáo Hùng nhận thấy, Bản án sơ thẩm có phân hóa được một phần vai trò trách nhiệm của các bị cáo nhưng chưa triệt để, nhất là vai trò của bị cáo Hùng. Bởi theo bị cáo, Bản án sơ thẩm chưa nhận định đúng và đánh giá đầy đủ tính khách quan đối với các hành vi của bị cáo trong quá trình thực hiện dự án.
Sau một loạt phân tích, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bản án sơ thẩm chưa đánh giá đầy đủ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý thức chủ quan của bị cáo trong quá tình thực hiện các hành vi. Cụ thể, bị cáo Hùng viện dẫn việc bị cáo không được tiếp xúc đầy đủ thông tin dự án vì các tài liệu được “mật hóa." Các công việc trong dự án được chia nhỏ lẻ và giao cho bị cáo một phần nhỏ là lập phương án kinh doanh mà không cho bị cáo biết mục đích sử dụng báo cáo, cũng không thông tin hay giải trình cho bị cáo về toàn bộ dự án.
Theo bị cáo Hùng, tất các công việc mà bị cáo làm trong dự án đều là công việc bình thường trong doanh nghiệp phải làm. Do vậy, bị cáo Hùng cho rằng Bản án sơ thẩm quy kết bị cáo biết rõ tình hình tài chính của AVG thua lỗ nhưng vẫn thực hiện hành vi là không đúng với bản chất sự việc.
Trong bản án sơ thẩm tuyên sáng 28/12/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo cho AVG không được bán cổ phần cho nước ngoài.
Bị cáo Son là người biết AVG có nhu cầu bán cổ phần và biết MobiFone trình Bộ Thông tin và Truyền thông xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Bị cáo Son đã giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG, chỉ đạo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa giao dịch MobiFone mua cổ phần của AVG vào danh mục “mật” của Nhà nước.
Mặt khác, bị cáo Son biết rõ MobiFone không được đầu tư mua hai khoản đầu tư ngoài ngành nhưng vẫn chỉ đạo thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty Mai Lĩnh và Công ty An Viên B.P mà không tính tiền).
Mặc dù nhận thức rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án dịch vụ truyền hình của MobiFone, giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng bị cáo Son vẫn cố ý phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền rất lớn.
Tòa cấp sơ thẩm cũng xác định, bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và các bị cáo khác thuộc MobiFone đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công dẫn đến vi phạm pháp luật trong việc đề xuất Dự án đầu tư, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG của Công ty AMAX làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần, lập dự án đầu tư, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện Dự án đầu tư. Hành vi của các bị cáo gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng cho MobiFone.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và các bị cáo nói trên đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng khi tham gia đề xuất Dự án đầu tư, thống nhất giá mua, lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện Dự án đầu tư./.