Vụ MobiFone mua AVG: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm

Quá trình thẩm vấn và tranh tụng tại tòa, hầu hết các bị cáo và luật sư bào chữa đều thừa nhận hành vi phạm tội mà bản cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát đã nêu là có cơ sở, đúng người, đúng tội.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son và các bị cáo nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Bị cáo Nguyễn Bắc Son và các bị cáo nghe Viện kiểm sát đề nghị mức án tại phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đánh giá của các chuyên gia tố tụng, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) có tiến độ nhanh so với tính chất phức tạp của một vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng.

Nhất là khi vụ án đó lại có số tiền gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, có nhiều bị cáo giữ vai trò chủ chốt trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.

Phiên tòa có tiến độ xét xử nhanh như vậy là do quá trình thẩm vấn và tranh tụng tại tòa, hầu hết các bị cáo và luật sư bào chữa đều thừa nhận hành vi phạm tội mà bản cáo trạng và luận tội của Viện Kiểm sát đã nêu là có cơ sở, đúng người, đúng tội.

Ghi nhận sự thành khẩn của các bị cáo

Từ giai đoạn điều tra, truy tố, đến khi xét xử, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai nhận và hợp tác tích cực với cơ quan tố tụng trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ nhằm làm sáng tỏ vụ án.

Các bị cáo thừa nhận tội danh đã bị Viện Kiểm sát truy tố là đúng, có cơ sở pháp luật.

Không có bất cứ bị cáo nào kêu oan, kêu mình không phạm tội, mà chỉ chung một mong muốn Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng khoan hồng, áp dụng mức án thấp hơn khung hình phạt quy định tại điều, khoản mà bị cáo đã bị truy tố. 

Bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nhất trí về hai tội danh mà bị cáo bị truy tố và cho rằng bản luận tội của Viện Kiểm sát đã phân hóa rõ vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo trong vụ án.

Bị cáo Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) thừa nhận tội danh bị truy tố là đúng và xin giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thậm chí còn từ chối luật sư bào chữa đối với hành vi “nhận hối lộ” của mình vì cho rằng bị cáo đã nhận tội, hành vi vi phạm đã rõ ràng, nên không cần thiết phải bào chữa nữa.

Vụ MobiFone mua AVG: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 1

Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn) trước khi bào chữa cho thân chủ, đã khẳng định các bị cáo trong vụ án này đã sai phạm và mắc lỗi rất lớn.

Đồng thời, luật sư đề nghị cần phải nhận diện dược bản chất của sai phạm và lỗi lầm rút ra từ vụ án này, từ đó có những biện pháp phòng ngừa ngăn chặn để hạn chế và triệt tiêu khả năng lặp lại trong tương lai.

Khai tại Tòa, rất nhiều bị cáo cho rằng khi triển khai các bước thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone đã không ý thức được việc mình làm là vi phạm pháp luật, chỉ đến khi làm việc với cơ quan điều tra họ mới biết mình vi phạm pháp luật.

Qua phần thẩm vấn tại phiên tòa, các bị cáo càng hiểu rõ hơn về những vi phạm do hành vi của mình gây ra, hiểu thêm về tính chất và hậu quả nghiêm trọng của vụ án.

Thừa nhận hành vi phạm tội, vì vậy những lời tự bào chữa trước tòa của các bị cáo chỉ đóng vai trò giải thích thêm cho rõ, đưa ra những dẫn chứng chứng minh vai trò đồng phạm mờ nhạt, giản đơn... nhằm đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Và cũng vì thế, khi mà hành vi vi phạm đã rõ ràng, không có những tranh cãi “nảy lửa” giữa luật sư và đại diện Viện Kiểm sát... thời gian xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa cũng được rút ngắn hơn.

Trong số các bị cáo, duy chỉ có bị cáo Nguyễn Bắc Son có thái độ khai báo vòng vo lúc đầu. Ngày thứ 2 mở phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son phản cung, khai mình không nhận hối lộ 3 triệu USD.

Hơn 2 tiếng sau bị cáo Son lại thay đổi, quay lại lời khai cũ, thừa nhận mình đã nhận 3 triệu USD từ bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG).

Sau đó, nhận thức rõ về những vi phạm của mình, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chủ động xin gặp gia đình, gửi thư đề nghị, động viên gia đình thu xếp tiền nộp để khắc phục hậu quả. 

Từ gần 600 triệu đồng trong tài khoản của bị cáo Son tại ngân hàng, đến nay gia đình bị cáo Son đã chuẩn bị được 12,5 tỷ đồng để nộp, xin khắc phục hậu quả cho bị cáo.

Theo người nhà bị cáo Nguyễn Bắc Son cho biết tại phiên tòa, trong những ngày tới, gia đình bị cáo sẽ cố gắng thu xếp nốt số tiền 55 tỷ đồng còn lại để khắc phục hoàn toàn số tiền đã nhận hối lộ của bị cáo Nguyễn Bắc Son.

Đâu là nguyên nhân?

Quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo trong vụ MobiFone mua AVG đều cho rằng mình thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức chuyên môn hạn chế... nên đã thực hiện hành vi vi phạm mà không biết là mình vi phạm.

Đáng ngạc nhiên, 11 bị cáo trong tổng số 14 bị cáo trong vụ án này đều nguyên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, là những người đã trải qua nhiều vị trí công tác, đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, khi được cất nhắc chức vụ đều được đánh giá là có kinh nghiệm quản lý, có kiến thức chuyên môn sâu, nắm vững và chấp hành đúng chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước... vậy mà đến khi ra Tòa vẫn cứ chung một thừa nhận “thiếu hiểu biết pháp luật, kiến thức chuyên môn hạn chế?”

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng đã có sự lúng túng trong nhận thức về pháp luật điều chỉnh đối với giao dịch chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone.

Vụ MobiFone mua AVG: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 2

Bị cáo Nguyễn Bắc Son trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đồng tình với ý kiến này, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lê Nam Trà) phân tích nhận thức áp dụng pháp luật trong việc xác định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án không đúng và chưa thống nhất giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan là nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm của các bị cáo.

Cụ thể, MobiFone là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện Dự án đầu tư mua 95% cổ phần AVG với giá trị hơn 8.000 tỷ đồng, bắt buộc phải bị điều chỉnh đồng thời bởi 2 luật: Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp ngày 26/11/2014 (Luật số 69) và Luật Đầu tư ngày 26/11/2014 (Luật số 67).

Do đó, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG buộc phải thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 31 - Luật số 67 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nếu bị điều chỉnh bởi Luật số 69 thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan phê duyệt dự án. Còn căn cứ Luật số 67 thì quy mô đầu tư trên 5.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, trong kết luận điều tra và cáo trạng đều xác định áp dụng cả Luật số 67 và 69. Tuy nhiên, tại Quyết định số 236 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án này lại chỉ trích dẫn Luật số 69 mà không trích dẫn Luật số 67.

Luật sư Phan Trung Hoài phân tích trong công văn số 230 ngày 16/12/2015 gửi Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhận thức đây là dự án đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp theo phương thức mua 95% cổ phần của AVG, là hoạt động đầu tư gián tiếp, đầu tư vốn, không phải đầu tư xây dựng cơ bản thông thường. Do đó, trình tự, thủ tục thực hiện dự án sẽ phải theo quy định tại Luật số 69.

Ngày 18/12/2015, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời Bộ Thông tin và Truyền thông và khẳng định việc phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mặt khác, khi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến về việc phê duyệt dự án thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định phê duyệt dự án là phù hợp với thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son khai văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định về trình tự, thủ tục, đầu tư dự án phải được thực hiện theo hai Luật số 67 và 69.

Vụ MobiFone mua AVG: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 3

Luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tuy nhiên, trong biên bản hỏi cung ngày 13/3/2019, bị cáo Nguyễn Bắc Son lại nhận thức rằng nếu mua cổ phần thì thẩm quyền quyết định là của Bộ Thông tin và Truyền thông, còn đầu tư dịch vụ truyền hình thì phải có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, theo luật sư Hoài, vụ án đã thể hiện nhận thức của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Quản lý doanh nghiệp, các Bộ chức năng và các bị cáo về việc áp dụng luật điều chỉnh về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định phê duyệt dự án rất lúng túng và khác nhau.

Sự chia sẻ, cảm thông trong phiên tòa

Quá trình thẩm vấn và tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc MobiFone) đã từ chối trả lời nhiều câu hỏi của các luật sư, bởi theo bị cáo Phương Anh, việc trả lời này sẽ ít nhiều động chạm tới quyền lợi của các bị cáo khác, bị cáo mong muốn sau phiên tòa này, nếu có cơ hội gặp nhau ngoài đời còn muốn nhìn mặt nhau, muốn chào hỏi nhau.

Dù gì thì các bị cáo cũng đã từng là những đồng nghiệp, những cấp trên, cấp dưới nhiều năm cùng công tác... “Bị ra Tòa như thế này cũng là quá đau xót rồi,” bị cáo Phương Anh xót xa chia sẻ.

Bị cáo Trương Minh Tuấn trước khi tự bào chữa cho mình cũng phải giải thích “rào trước đón sau” rằng vai trò phạm tội của bị cáo đã thể hiện cụ thể trong cáo trạng, nhưng bị cáo Tuấn muốn bào chữa thêm cho rõ hơn chứ không có nghĩa là đổ tội cho người khác.

Vụ MobiFone mua AVG: Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm ảnh 4

Bị cáo Trương Minh Tuấn trả lời các câu hỏi của luật sư. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trước khi kết thúc phần trình bày của mình, bị cáo Trương Minh Tuấn không quên đề nghị Hội đồng xét xử tha thứ, khoan hồng cho các bị cáo, trong đó có các bị cáo là thành viên của MobiFone vốn là những cán bộ có năng lực chuyên môn, tạo điều kiện cho họ sớm trở lại cộng đồng, tiếp tục được đóng góp.

Trong phần bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) còn bào chữa “luôn” cho bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông).

Bị cáo Trọng cho rằng trong việc chấm dứt hợp đồng và thu hồi vốn, khắc phục hậu quả của vụ án, bị cáo Trương Minh Tuấn chỉ đạo rất tích cực.

Trong 2 tuần, bị cáo Trương Minh Tuấn đã ký 5 trong 6 văn bản thu hồi vốn về cho MobiFone, chỉ đạo 3 cuộc họp để thống nhất ký biên bản chấm dứt thỏa thuận mua cổ phần, thu hồi hết tiền về cho MobiFone.

Theo bị cáo Phạm Đình Trọng, trong việc chấm dứt thỏa thuận này, ngoài tác động của Thanh tra Chính phủ, còn có tác động rất mạnh mẽ của cá nhân bị cáo Trương Minh Tuấn và sự tham mưu của bị cáo Trọng.

Tương tự, bị cáo Lê Nam Trà đã xin “Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo tại MobiFone là những người lãnh đạo ưu tú, đã tham gia xây dựng MobiFone từ những ngày đầu tiên, bản thân bị cáo với cương vị là chủ tịch Hội đồng thành viên, người đứng đầu đã không đủ khả năng để dẫn dắt vượt qua trước sức ép, những chỉ đạo, quyết định không đúng của dự án, khiến các bị cáo là đồng nghiệp, là cấp dưới phải ra tòa. Trách nhiệm này là thuộc của tôi.”

Trả lời thẩm vấn tại Tòa, bị cáo Phạm Nhật Vũ khai bị cáo đã được 7 cổ đông AVG ủy quyền trả lại cho MobiFone hơn 8.445 tỷ đồng và bị cáo thanh toán thêm 329 tỷ đồng là số tiền trả cho các chi phí liên quan đến dự án và khoản lãi tính cho số tiền MobiFone đã thanh toán.

Số tiền này không thuộc trách nhiệm buộc phải trả nhưng bị cáo Vũ tự nguyện. Bị cáo Vũ giải thích việc tự nguyện trả tiền là để không bị mang tiếng khuất tất, dùng tiền bất chính để làm từ thiện, giúp đỡ các em nhỏ, người nghèo khi làm từ thiện; đồng thời, cũng mong muốn những người có liên quan trong vụ án được giảm nhẹ trách nhiệm.

Ghi nhận điều này, luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa cho bị cáo Trương Minh Tuấn) cho rằng trong nỗ lực hủy hợp đồng mua bán cổ phần AVG cần phải nhìn nhận một cách công bằng sự cố gắng của bị cáo Phạm Nhật Vũ và gia đình bị cáo Vũ trong việc hoàn trả lại tiền.

"Cá nhân tôi cám ơn ông Vũ vì nếu ông Vũ và gia đình không tự nguyện và cố gắng trả lại tiền, thì ngồi ở đây không phải chỉ có từng này người, và mức án cũng không thể như Viện Kiểm sát đề xuất," luật sư Vũ Xuân Nam nói.

Tại phiên tòa mà việc xác định vai trò đồng phạm của các bị cáo có ý nghĩa quan trọng trong định lượng hành vi, định khung hình phạt... thì những chia sẻ, cảm thông, những lời bào chữa cho nhau như thế này không chỉ là tình cảm giữa các bị cáo mà còn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, nhất là khi điều đó lại diễn ra ngay tại công đường - nơi được biết đến với những hình phạt nghiêm khắc./.

Theo TTXVN
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?