15h30 ngày 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin vụ việc nước nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân phía Tây Nam Hà Nội khổ sở trong suốt hơn 1 tuần qua. Chủ trì họp báo là ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Hoà Bình, tham dự họp báo gồm nhiều cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các sở, ban ngành tỉnh Hoà Bình.
UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin vụ việc nước nhiễm dầu thải. |
Cũng trong ngày 17.10, Sở Tài nguyên và Môi trường Hoà Bình cho biết, ngày 9.10, người dân phát hiện việc đổ trộm dầu thải trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình). Sở TN&MT Hòa Bình, Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) cùng UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Phúc Tiến, PC05 Công an tỉnh Hòa Bình sau đó đã kiểm tra hiện trường.
Thời điểm phát hiện sự việc, Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - đơn vị vận hành nhà máy nước sạch Sông Đà đã kiểm tra, phát hiện có váng dầu tại suối Bằng. Khi kiểm tra ngược theo dòng suối, đơn vị thấy trên đường liên xã của xã Hợp Thịnh và xã Phúc Tiến có đổ dầu thải. Dầu thải này chảy tràn xuống suối Trầm.
Công ty nước sạch sông Đà rải cát trên toàn bộ bề mặt đường có dính dầu; khoanh vùng dầu chảy tràn trên bề mặt suối và thu gom dầu, nước dính dầu, cây cỏ dính dầu.
Theo Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình, việc chôn lấp tạm thời cát lẫn dầu thải của Nhà máy nước sông Đà không đúng quy định; yêu cầu công ty khẩn trương thu gom; xử lý cát nhiễm dầu đã chôn lấp trong khuôn viên nhà máy.
Trước đó, theo thông tin đưa ra bởi nhà chức trách Hà Nội, sự việc bắt đầu từ việc có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm tại khu vực đầu nguồn nước. Theo xác nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online, vị trí bị đổ dầu thải là ở xóm Mon, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình, cách Nhà máy nước mặt sông Đà khoảng 5km.
Dầu thải tràn từ mặt đường xuống khe suối Trầm, theo suối Trầm dẫn vào hồ Đầm Bài - khu vực trữ nguồn nước đầu vào cho nhà máy.
Suối đầu nguồn nước sông Đà đen ngòm. Ảnh baochinhphu.vn |
Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) - đơn vị vận hành nhà máy - có phát hiện việc này từ sáng 8-10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội.
Viwasupco cũng không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân của Hà Nội.
Kết quả xét nghiệm cho thấy theo quy chuẩn Việt Nam 01:2009 của Bộ Y tế ban hành về chất lượng nước ăn uống, hàm lượng styren trong nước đã cao hơn mức quy định tối đa 20μg/l từ 1,3-3,65 lần, theo Tuổi Trẻ Online.
Khởi tố vụ án hình sự
Báo Tiền Phong đưa tin, Ngày 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình có báo cáo kết quả kiểm tra, làm rõ việc đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đổ trộm dầu thải tại khu vực nhà máy nước sông Đà gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho nhà máy nước.
UBND tỉnh đã tiến hành xác minh và đề xuất các giải pháp xử lý. UBND tỉnh đã ban hành 4 công văn trong các ngày 15 – 16/10 để chỉ đạo xử lý về vấn đề này.
Hiện nay, công an tỉnh đang khẩn trương và tích cực điều tra, xác minh, truy tìm thủ phạm gây ra vụ đổ dầu thải nói trên.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, ngày 16/10/2019 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/QĐ/CSĐT về tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại điều 235, Bộ Luật Hình sự.