Bước vào ngôi nhà KOTO, quá khứ tối tăm bị bỏ lại ngoài cửa, những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn có thể tự mình thắp lên ngọn lửa lạc quan và tin yêu sống.
Bước qua bóng tối
Nguyễn Hoàng Quốc là học viên khóa 29 ở Trung tâm Dạy nghề nhân đạo KOTO. Vừa tròn 19 tuổi, Quốc đã kịp nếm trải đủ đắng cay trong đời mà thậm chí, một số người đã đứng bên kia cái dốc cuộc đời chưa từng trải qua. Gia đình có cả thảy 7 người, ba mẹ lần lượt qua đời khi Quốc mới 9-10 tuổi. Anh hai, chị ba cũng ngã bệnh đi theo ba mẹ. 15 tuổi, Quốc, chị gái và em gái út lạc lõng giữa đời. Vì mưu sinh, “mỗi người một nơi, mướn nhà đủ chỗ, hổng có ổn định”. Chị gái và Quốc lang thang làm đủ thứ nghề. Quốc khi bán vé số, khi phụ bán hàng ở chợ… Có những nghề vất vả và cần nhiều kinh nghiệm như bảo trì máy lạnh, làm giày dép da, Quốc cũng cặm cụi theo phụ.
Không biết bao nhiêu ngày, Quốc ngủ vạ vật ngoài đường, nằm cạnh xe hủ tiếu thấy cơn đói cồn lên. Nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và những bữa cơm gia đình sum họp cũng cồn lên, nước mắt Quốc ướt nhòe áo… Ở cái tuổi trăng rằm đẹp nhất, bạn thân của Quốc là bóng tối và sự cô đơn.
Thế rồi, cuộc đời đưa đẩy Quốc quen biết một cặp vợ chồng cửa hiệu bán đồ cũ trên một con phố Sài Gòn náo nhiệt. Họ là người nước ngoài nhưng gắn bó với Việt Nam, cảm thương Quốc quá vất vả, họ chia sẻ cho em thông tin về một doanh nghiệp xã hội chuyên giúp đỡ trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - đó là KOTO. Hai người giúp đỡ em nộp hồ sơ vào KOTO. Hi vọng le lói, 18 tuổi, Quốc quyết tâm tạm biệt Sài Gòn thân thuộc, gửi gắm em gái cho ông bà người nước ngoài để ra Bắc, đến với ngôi nhà KOTO, tìm cuộc sống mới…
Đến với KOTO, các em nhỏ được học theo chương trình đào tạo nghề của Học viện Box Hill (Úc) |
Trưởng thành hơn Quốc, Hoàng Văn Hữu, quê Bắc Kạn, sinh năm 1994, học viên khóa 28 mang nỗi đau của người anh cả. Bố mẹ ly thân rồi quay lại với nhau vì nghĩa, cuộc sống lúc nào cũng thiếu tiếng cười, Hữu và 2 em trai bị thiếu thốn tình cảm gia đình. Chưa kể, ông bố nghiện rượu lúc nào cũng chỉ chực mang đồ trong nhà đi bán lấy tiền “cúng” ma rượu. Vì các con, mẹ Hữu vay nợ đủ chỗ để cho con ăn học. Học hết lớp 12, Hữu mừng rơn khi đỗ Đại học Nông lâm. Theo học chưa được 1 năm thì bỏ vì em không may bị tai nạn hỏng mắt. Hữu tuyệt vọng, loay hoay với đôi mắt thương tật nặng, mắt trái hoàn toàn mất chức năng. Con đường học hành đóng sập trước mắt, số tiền vay nợ cho 3 con trai đi học của người mẹ nghèo đè nặng lên cả nhà.
Mẹ Hữu nuốt nước mắt xin đi xuất khẩu lao động tận Malaysia. Bố Hữu ở lại, cuộc sống vẫn xoay quanh vòng tròn: rượu, rượu và rượu. Đồ đạc trong nhà lần lượt không cánh mà bay vì rượu.
Là anh cả, Hữu bỏ học, đi Bình Thuận làm thuê nhưng bị lừa tiền lương hai ba bận. Trắng tay, Hữu trở về Hà Nội tìm đường sống. Hữu xin làm bảo vệ trông xe, rồi phụ bếp hàng ăn… Cuộc sống cứ thế trôi qua trong cô độc và nỗi nhớ nhà giày vò nếu không có ngày tình cờ Hữu biết đến KOTO qua một chương trình tivi xem vội. Hữu thèm được đi học, thèm được đào tạo nghề như các bạn. Trong lúc tuyệt vọng nhất, cậu đánh liều trao cả tương lai của mình vào bộ hồ sơ gửi về KOTO...
Hai lĩnh vực đào tạo chính ở trung tâm dạy nghề nhân đạo này là nghiệp vụ bàn-bar và nấu ăn |
Không để ước mơ nào tan vỡ…
Ngày biết đến KOTO, biết đến hai lĩnh vực đào tạo chính ở trung tâm dạy nghề nhân đạo này là nghiệp vụ bàn-bar và nghiệp vụ nấu ăn, Nguyễn Hoàng Quốc khao khát được trở thành đầu bếp. Ước mơ trở thành đầu bếp ập về từ thuở lên 9, lên 10.
“Ngày còn được bên mẹ, chăm sóc mẹ lúc ốm đau, em thích nấu cho mẹ và các anh chị những món ăn thật ngon. Đi bán vé số về bao giờ em cũng chạy vào bếp”. Ánh mắt trìu mến của mẹ, nụ cười mẹ hạnh phúc, mẹ khen Quốc nấu vừa miệng… Tất cả có một ma lực mãnh liệt thôi thúc Quốc muốn làm đầu bếp, muốn được làm người thân và mọi người vui bằng những món ngon. Cậu bé Quốc khi mới 9-10 tuổi đã ấm áp nhìn mẹ: “Mẹ ơi, sau này con sẽ làm đầu bếp!”.
Nguyễn Hoàng Quốc hạnh phúc vì được theo đuổi ước mơ trở thành đầu bếp |
Ước mơ ấy ngỡ tưởng đã ngủ yên sau bao công việc vụn vặt bươn trải, bị nhấn chìm sau những giấc ngủ vùi ngoài đường xó chợ. “Em từng không nhớ được ước mơ của mình là gì, cứ có việc gì người ta thuê mướn thì làm. Khi đến KOTO, em mới sực nhớ ra, em từng rất thích nấu ăn” – Quốc vừa nói vừa khóc như một đứa trẻ. Cùng khoảng 30 học viên khóa 29, Quốc bắt đầu những ngày học tập rèn luyện của một đầu bếp tương lai. Em tập làm món Âu, món Á, tập nói tiếng Anh để có thể nói chuyện thật nhiều với cặp vợ chồng người nước ngoài đang chăm sóc em gái, có thể tự tin giao tiếp trong những nhà hàng 5 sao… Quốc cũng chẳng ngại chia sẻ, ước mơ một ngày không xa, em sẽ mở một nhà hàng của riêng mình trong Sài Gòn.
Những đứa trẻ may mắn được đón về trung tâm dạy nghề nhân đạo này, chẳng ai còn phải khóc vì đói, sợ, hoảng hốt hay bơ vơ trước một tương lai mông lung vô định. Đó là điều may mắn mà Bùi Bích Phương-cô bé sinh năm 1999, lớn lên trong một nhi viện ở Xuân Trường, Nam Định cũng như các bạn cùng lớp khóa 28 cảm nhận được. Bích Phương kể, suốt 16 năm sống trong nhi viện, emchẳng biết bố mẹ mình là ai, chẳng biết đến thế giới bên ngoài sầm uất thế nào… Tương lai đối với Phương lại càng mờ nhạt, không rõ ràng. Thế rồi, khi có một chị sống ở nhi viện được may mắn học nghề ở KOTO, chị học khóa 24, chị trở về và kể bao điều vui. Chị kể chuyện về KOTO với tất cả sự tự tin của một người con gái trưởng thành, Phương ước mình được giống chị. Phương nài nỉ cha xứ được đi học. Phương bảo, chỉ đến khi bước chân vào KOTO, em mới dám ước mơ, dám học hỏi và dám xây dựng cho mình một tương lai rộng mở hơn, thú vị hơn từ chính những kinh nghiệm sống quý giá của mình. Phương bắt đầu thích bếp, có niềm say mê vô tận với các món Âu, muốn đặt chân đến những quốc gia mới… Cuộc sống của Phương từ khi bước chân khỏi nhi viện ra Hà Nội học tập đã tự giở sang một trang mới.
Ở KOTO, nếu học sinh trường khác có ngày khai giảng thì học viên được chào đón bằng một buổi lễ ước mơ đặc biệt. Cảm xúc trong buổi lễ đó đến nay vẫn in đậm trong tâm trí Hoàng Văn Hữu. Trong buổi lễ ấy, Hữu đã tự tin lau nước mắt để đón cuộc sống mới: “Trước em chỉ cố gắng học thật tốt để về Bắc Kạn nghèo, làm cán bộ, rồi bị tai nạn, em hoàn toàn từ bỏ tất cả. Nhiều lúc buông xuôi theo dòng đời, em không bao giờ nghĩ lại có ngày em dám ước mơ, dám thực hiện và dám theo đuổi những gì mình muốn…”.
Khóa nào cũng thế, mỗi đứa trẻ khi mới bước chân vào KOTO đều được bí mật viết ước mơ ra giấy, thả vào lọ thủy tinh, mỗi người tự tay đặt lọ thủy tinh lên chiếc tủ ở ngay lối vào trung tâm như đặt cột mốc quan trọng thay đổi cuộc đời. Khi tốt nghiệp ra trường, học viên sẽ tự mở ra đọc to ước mơ của mình để một lần nữa hạ quyết tâm thực hiện.
Từ trái qua: Hoàng Quốc, Bích Phương và Hoàng Văn Hữu "khoe" lọ thủy tinh chứa ước mơ của mình |
Suốt 18 năm hoạt động, từ những ngày đầu thành lập, trải qua 30 khóa học nối tiếp nhau không ngừng với phương châm “Know One, Teach One” – “Biết một, dạy một”, KOTO đã giúp đỡ và thay đổi cuộc đời của hơn một nghìn trẻ em đường phố, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Rất nhiều em đã trở thành những công dân Việt đóng cho sự phát triển của quốc tế tại Dubai, Australia, New Zealand... Nhiều bàn tay đã quay về cùng KOTO xây tiếp hành trình “Biết một, dạy một” cho những thế hệ sau. Với công việc thầm lặng nuôi dưỡng và giúp đỡ những đứa trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn đạt được ước mơ trong tầm tay, KOTO được công nhận là doanh nghiệp xã hội đầu tiên tại Việt Nam.
Sống như một gia đình
Cách đây 18 năm, năm 1999, KOTO ra đời từ suy nghĩ rất thiện của Jimmy Phạm - một người nổi tiếng là phi lý và tham vọng, dám thực hiện những điều chẳng giống ai. Sinh ra ở Úc, bố là người Hàn Quốc, mẹ người Việt Nam, Jimmy Phạm về Việt Nam năm 1996, anh tình cờ gặp những đứa trẻ đường phố ở TP Hồ Chí Minh, nghe chuyện những giấc mơ bị tan vỡ và thấy cần phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời chúng. KOTO ra đời với một lời hứa chắc nịch: mang lại tương lai sáng sủa hơn cho trẻ em đường phố Việt Nam.
Anh Jimmy Phạm cùng quyết tâm mang lại tương lai sáng sủa hơn cho trẻ em đường phố Việt Nam |
Trao cho trẻ em cơ nhỡ cơ hội được ước mơ vẫn chưa đủ. KOTO còn tạo ra nhiều hoạt động bổ ích để học viên được trau dồi kỹ năng mềm, vốn sống… Nguyễn Thanh Thúy – nhân viên quản lý học viên ở trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO cho biết, mỗi khóa học là một gia đình, các học viên được ăn, ngủ, chơi thể thao và sinh hoạt cùng nhau dưới một khu nhà. Học viên được tạo cơ hội trải nghiệm thú vị khi được tu tập ở thiền viện, được tham gia các chương trình từ thiện ý nghĩa, được tham gia các hoạt động ngoại khóa thiết thức như trồng cây xanh ngay trong khuôn viên trung tâm, tái chế rác thải… Sau mỗi giờ học, các em được thoải mái phát huy những sở trường của mình: ca hát, nhảy, đánh ghita…
Mỗi học viên của KOTO đều có một số phận riêng, quá khứ riêng, nhưng KOTO vẫn luôn tạo cơ hội để các em chia sẻ với những số phận kém may mắn hơn mình. Cuối 12 vừa qua, 120 nhân viên và học viên của KOTO đã trải qua những ngày cuối cùng của năm 2016 tại Ngân Sơn, Bắc Cạn – một ngôi làng nhỏ trên núi cách Hà Nội 220km trong chương trình “Áo ấm mùa Đông”, mang hàng trăm phần quà thiết thực đến trẻ em vùng cao…
Với Phương, Hữu, Quốc, KOTO thực sự là gia đình thứ hai, là chỗ dựa để các em dám nghĩ dám làm. Và với các thế hệ đi trước cũng như người sáng lập ra KOTO cũng vậy. Đó là ngôi nhà bình yên cho trẻ em Việt Nam trú ngụ trước giông bão cuộc đời. Jimmy Phạm nói rằng, trung tâm có nhiều học viên thế mà học viên nào có hoàn cảnh ra sao anh đều nhớ. Và những đứa trẻ cơ nhỡ ngày nào vẫn luôn nhớ đến anh và các thầy cô, bạn bè cùng khóa khi chúng mở nhà hàng, lập gia đình, đón đứa con đầu lòng…
Được thành lập từ năm 1999, KOTO được biết đến là doanh nghiệp xã hội nhân đạo đầu tiên tại Việt Nam, đào tạo hướng nghiệp, giáo dục định hướng và tạo công ăn việc làm miễn phí cho các thanh thiếu niên đường phố, lang thang cơ nhỡ, các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người dân tộc thiểu số tại các vùng miền đặc biệt khó khăn, nạn nhân buôn bán phụ nữ, trẻ em và bạo hành gia đình ở độ tuổi 16 - 22 tuổi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. KOTO theo đuổi sự nghiệp giúp đỡ trẻ đường phố có hoàn cảnh khó khăn với phương châm: “Cách giúp trẻ tốt nhất là dạy chúng câu cá chứ không phải cho chúng con cá”.
Hiện KOTO đang tuyển sinh khóa 31. KOTO luôn tích cực tìm kiếm các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, xét duyệt kỹ lưỡng điều kiện, nhân thân, khả năng để đảm bảo các em có thể theo học. Cơ hội dành cho tất cả trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em có thể làm hồ sơ rồi gửi về: Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO, số 11/670 Hà Huy Tập, Yên Viên, Tp Hà Nội & Nhà hàng KOTO, số 59 Văn Miếu, Hà Nội hoặc địa chỉ phía Nam: Nhà hàng KOTO Kumho tầng 3, tòa nhà Kumho Link, 39 Lê Duẩn, Quận 1, TP-HCM. Hoặc liên hệ trực tiếp theo hotline: 0167.490.9969.