Trong dự báo mới nhất này, WB cho rằng năm 2023, nhiều nền kinh tế sẽ có mức tăng trường gần bờ vực suy thoái do ảnh hưởng của tình trạng tăng lãi suất - giải pháp mà nhiều nước thực hiện để kiềm chế lạm phát, xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp diễn, trong khi các nền kinh tế lớn của thế giới gặp nhiều khó khăn.
WB cho rằng tốc độ tăng trưởng chậm lại hầu hết đều xảy ra ở những nền kinh tế tiên tiến, điển hình kinh tế Mỹ có thể chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023. Các quốc gia sử dụng đồng euro có thể đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu mới trong chưa đầy 3 năm sau đợt suy thoái gần đây nhất.
WB nhận định với điều kiện kinh tế mong manh hiện nay, bất kỳ tác động tiêu cực mới nào gia tăng như lạm phát cao hơn dự kiến cùng chính sách tăng lãi suất đột ngột để ngăn chặn lạm phát, hay sự lây lan trở lại của dịch COVID-19, đều có thể đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Về các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, WB cho rằng năm 2023 sẽ chồng chất khó khăn khi những nước này phải chật vật đối phó với gánh nặng nợ công, đồng nội tệ suy yếu, đầu tư doanh nghiệp giảm...
Báo cáo của WB đề cập đến thực tế tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 giảm xuống 2,7%, mức thấp thứ 2 kể từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước cho đến năm 2020 - thời điểm Trung Quốc áp đặt các biện pháp phòng dịch COVID-19 nghiêm ngặt. WB dự báo nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ phục hồi và tăng trưởng 4,3% trong năm 2023. Tuy nhiên, con số dự báo này vẫn thấp hơn 0,9% so với dự báo hồi tháng 6/2022 do mức độ nghiêm trọng của tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 và nhu cầu ngoài nước suy yếu.
WB lưu ý rằng một số áp lực lạm phát bắt đầu giảm dần khi năm 2022 sắp kết thúc, với giá năng lượng và giá cả hàng hóa thấp hơn, song thể chế tài chính này vẫn cảnh báo rủi ro gián đoạn nguồn cung mới vẫn ở mức cao và lạm phát kéo dài. Theo WB, điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi suất cao hơn mức hiện nay, làm trầm trọng thêm tình trạng tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới.
WB kêu gọi tăng cường hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế giúp các nước có thu nhập thấp đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng, hỗ trợ những người phải rời bỏ nhà cửa lánh nạn do xung đột và nguy cơ khủng hoảng nợ gia tăng.