"Các dữ liệu sơ bộ không cho thấy biến thể Omicron nghiêm trọng hơn, mà trên thực tế còn biểu hiện điều ngược lại", Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết hôm 7/12, theo BBC.
Tuy nhiên, ông Ryan cũng nhấn mạnh đây mới chỉ là những dữ liệu ban đầu, và cần có thêm thời gian nghiên cứu về biến thể mới trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.
Vị quan chức còn nhận định các loại vắc xin COVID-19 hiện nay dù có thể kém hiệu quả hơn trong việc kháng lại Omicron, song cũng không có dấu hiệu nào cho thấy biến thể này hoàn toàn "né" được hiệu quả bảo vệ từ vắc xin.
"Những loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả với mọi biến thể, giảm nguy cơ bệnh trở nặng và nhập viện", chuyên gia dịch tễ 56 tuổi cho biết, đề cập tới các dữ liệu ban đầu ở Nam Phi. Ông cũng nhấn mạnh trong cuộc chiến chống lại tất cả các biến thể của virus corona, "vũ khí tốt nhất chúng ta đang có ở thời điểm hiện tại vẫn là tiêm phòng".
Cũng theo Tiến sĩ Ryan, bất kỳ biến thể mới nào xuất hiện đều có xu hướng dễ lây lan hơn, vì phải cạnh tranh với các biến thể trước đó. Ông dự báo Omicron sẽ dần thay thế Delta để trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu.
Ông cũng cho rằng các loại vaccine COVID-19 hiện tại chỉ nhằm mục đích ngăn không cho bệnh trở nặng, chứ không thể bảo vệ hoàn toàn khỏi virus, nên người từng mắc COVID-19 bị nhiễm Omicron với triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ ít được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh các biến thể dù mới đến đâu, thì về bản chất, chúng vẫn mang mầm bệnh của COVID-19. Cho nên, các biện pháp đối phó với dịch bệnh như tiêm chủng, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội sẽ không phải thay đổi.
"Virus không thay đổi bản chất. Nó có thể lây lan mạnh hơn, nhưng không thay đổi hoàn toàn cuộc chơi. Quy tắc vẫn là như vậy", Tiến sĩ Ryan lưu ý.