Ngày 28/1, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã để ngỏ khả năng chỉ trong vài tuần nữa, các quốc gia giàu có và các nước đang phát triển sẽ đạt được một thỏa thuận về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Paris (Pháp), Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng rằng trong vòng vài tuần tới, chúng ta có thể có một bước đột phá" về những gì đã gây tranh cãi trong nhiều tháng qua. WTO tin rằng có thể có giải pháp thỏa hiệp hợp lý, theo đó cho phép các nước đang phát triển tiếp cận nhiều hơn với chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa COVID-19, trong khi vẫn bảo vệ sự đổi mới và nỗ lực nghiên cứu. Mặc dù để ngỏ khả năng các nước sẽ sớm đạt được thỏa thuận trên, song bà Okonjo-Iweala cho biết điều này có thể không xảy ra trước hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Liên minh châu Phi (AU) trong hai ngày 17-18/2 tại Brussels (Bỉ).
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Thương mại Pháp Franck Riester nhấn mạnh "điều quan trọng là khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19". Điều này có thể được cải thiện bằng cách dỡ bỏ nhiều hạn chế đối với việc phân phối các chế phẩm này. Ông cho rằng không nên để quyền sở hữu trí tuệ trở thành trở ngại trong việc tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển. Với việc Pháp trong tháng này sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của EU, Bộ trưởng Riester cho biết EU sẵn sàng triển khai các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phân phối vaccine ngừa COVID-19.
Các nước đang phát triển vốn bị tụt hậu trong công tác tiêm chủng đã thúc đẩy việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy việc sản xuất vaccine trong nước. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, những nước phát triển, lại cho rằng điều này sẽ không khuyến khích sự đổi mới và có thể thực hiện các biện pháp khác nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vaccine.