Xây dựng đội ngũ kiểm toán "pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng"

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công với mục tiêu vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững…
Xây dựng đội ngũ kiểm toán "pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng"

Nhân dịp Xuân mới Giáp Thìn 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam những định hướng lớn, giải pháp trọng tâm của Ngành trong năm 2024 với mục tiêu quyết liệt triển khai mạnh mẽ phương châm “gọn nhưng chất lượng”, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, nỗ lực đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân…

Thưa Tổng Kiểm toán nhà nước, xin ông cho biết những định hướng và những nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024?

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Kiểm toán Nhà nước xác định phương hướng năm 2024 là: “Triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 và Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là nhiệm vụ trình ý kiến về dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước, gia tăng hiệu lực kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước vạch ra 8 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thật hiệu quả. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc và toàn diện các nhiệm vụ năm 2024; tiếp tục triển khai các hoạt động theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030 đạt kết quả tốt; tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; củng cố, kiện toàn bộ máy đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong hoạt động của Ngành; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo thiết thực, đúng nhu cầu. Tiếp tục củng cố, phát huy vai trò quan trọng của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và tăng cường năng lực hội nhập thông qua việc đảm nhiệm tốt các cương vị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế và khu vực.

Cùng với việc triển khai công tác thông tin, truyền thông một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước sẽ khích lệ, động viên công chức, viên chức, người lao động gìn giữ và phát huy truyền thống của Ngành thông qua việc tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024) trang trọng, tiết kiệm.

Tiếp nối thành công trong năm 2023, Tổng Kiểm toán nhà nước có chỉ đạo cụ thể gì đối với hoạt động kiểm toán của toàn Ngành trong năm 2024?

Bám sát sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, năm 2024, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hành động theo phương châm “gọn nhưng chất lượng”. Để đảm bảo yếu tố “gọn”, Kế hoạch kiểm toán năm 2024 đã được ban hành với 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023, trong đó ưu tiên, tập trung nguồn lực để kiểm toán báo cáo quyết toán các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương với mục tiêu kiểm toán từ 80-90% báo cáo quyết toán, cũng như đảm bảo chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành, trong đó kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin đạt tỷ lệ 27% tổng số nhiệm vụ kiểm toán.

Để đảm bảo yêu cầu “chất lượng”, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo toàn Ngành tập trung xây dựng phương án tổ chức kiểm toán khoa học, lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo; đồng thời giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị được kiểm toán. Việc bố trí nhân sự tham gia đoàn kiểm toán, tham gia thảo luận dự toán ngân sách nhà nước phải đảm bảo đạt mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”.

Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn; nâng cao chất lượng khảo sát lập kế hoạch của cuộc kiểm toán để thu thập đầy đủ thông tin, phân tích, đánh giá đúng các rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán sát thực; cũng như bám sát kế hoạch, đề cương giám sát, ưu tiên triển khai sớm các đoàn kiểm toán liên quan đến các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước sẽ chú trọng nâng cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong quá trình thực hiện kiểm toán chuyên đề, đảm bảo xử lý kịp thời các vấn đề vướng mắc, phát sinh nhằm đạt được mục tiêu báo cáo kiểm toán phát hành có chất lượng cao, phản ánh đúng thực tế những mặt đạt được cũng như những bất cập, hạn chế, yếu kém và đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách không phù hợp; đưa ra những kiến nghị để Quốc hội, Chính phủ có thêm căn cứ quyết định chính xác những vấn đề quan trọng của đất nước, qua đó nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Kiểm toán Nhà nước.

Song song với đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá cơ chế, chính sách của Nhà nước, đặc biệt các chính sách có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội nhằm phát hiện các bất cập để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng tránh thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước để Quốc hội quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định hội đồng cấp Vụ, cấp Ngành đối với dự thảo Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm toán; coi trọng công tác thu thập thông tin, bằng chứng kiểm toán; bám sát các quy định của pháp luật để kiến nghị cho trúng, đúng, chặt chẽ, khả thi. Hơn nữa, trong quá trình kiểm toán, cần tăng cường phối hợp, lắng nghe ý kiến giải trình của đơn vị để củng cố đầy đủ bằng chứng trước khi đưa ra kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã tiếp thêm động lực cho Kiểm toán Nhà nước hành động quyết liệt để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán. Trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ làm gì để cụ thể hóa những yêu cầu mà Quy định số 131/QĐ/TW đặt ra, thưa đồng chí?

Trước hết, ngay trong nội bộ Ngành, Kiểm toán Nhà nước sẽ tăng cường giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ kiểm toán viên nhà nước, thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW, đảm bảo xây dựng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước phải “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”; thường xuyên quan tâm trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất của người Kiểm toán viên nhà nước “tỉ mỉ, trung thực, nhạy bén, chăm chỉ”.

Đề cao vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và đấu tranh, ngăn ngừa hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành. Tiếp tục chú trọng kiểm soát tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán, chỉ rõ những bất cập trong kết quả, kết luận và kiến nghị kiểm toán, đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đầy đủ bằng chứng, rõ ràng và đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, phát huy vai trò là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục chủ động cung cấp kịp thời các thông tin, phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Hội đồng nhân dân các cấp.

Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kiểm toán Nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, đề cao tính khách quan, minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, kiên quyết kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện; cũng như đẩy mạnh việc công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước theo quy định.

Từ hiệu quả thực tiễn đã mang lại, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương nhằm kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán, xử lý, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Những đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán sẽ mang lại những kết quả tích cực cho Kiểm toán Nhà nước trong năm 2024, năm đặc biệt kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước.

Trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực
(Ngày Nay) - Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
Nguy cơ đối với sức khỏe con người từ vi nhựa trong không khí
(Ngày Nay) - Vi nhựa được xem là chất gây ô nhiễm chính cho các đại dương và sự hiện diện của chúng trong không khí ít được biết đến hơn. Trong những năm gần đây ngày càng có nhiều lo ngại về những nguy cơ tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng những nghiên cứu về vấn đề này mới ở giai đoạn sơ khai.
Ảnh minh họa
Sự kế thừa, phát triển những giá trị của Quốc hiệu Việt Nam trong bối cảnh hiện nay
(Ngày Nay) - Trải qua quá trình lao động sản xuất không ngưng nghỉ nhằm thích ứng với tự nhiên và ứng phó với những yếu tố bên ngoài, sự xuất hiện của quốc hiệu Việt Nam là thành quả nỗ lực lớn lao của cộng đồng người Việt, mở ra trang mới trong lịch sử dựng nước, giữ nước dân tộc ta.
Đoàn tàu của ngư dân Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) đang di chuyển thỉnh Ông ngoài tại Lễ hội Nghinh Ông.
Lễ hội Nghinh Ông Nam Hải thu hút du khách gần xa
(Ngày Nay) - Ngày 29/4, tại thị trấn Trần Đề, UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải năm 2024. Đây là một trong những lễ hội lớn ở khu vực duyên hải Tây Nam Bộ, với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, biển lặng, gió hòa, ngư dân đánh bắt được nhiều tôm cá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đối với người trẻ Trung Quốc, sự độc lập của cá nhân là nền tảng và ưu tiên hàng đầu của việc hẹn hò và các mối quan hệ. Ảnh: Weixin
Trung Quốc: Giới trẻ chuộng hẹn hò "độc thân"
(Ngày Nay) - Giới trẻ ở Trung Quốc đang ngày càng áp dụng những cách tiếp cận mới trong việc hẹn hò và xây dựng các mối quan hệ, sự thay đổi được phản ánh qua việc dân số độc thân ở nước này ngày càng gia tăng.