Tôi bày tỏ niềm tin và đặt nhiều kỳ vọng vào Đại hội XIII của Đảng, bởi mỗi nhiệm kỳ Đại hội đều đánh dấu những bước phát triển mới của đất nước. Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, thúc đẩy sự tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà “bất ly hương”, không dẫn đến việc di cư quy mô lớn.
Sau 10 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt và vượt các mục tiêu đề ra trước gần 2 năm, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với đặc thù Hà Nội, việc xây dựng nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có thể thấy, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh. Do đó, việc xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội sẽ gắn liền với quy hoạch các khu đô thị, đô thị vệ tinh để phát triển hài hòa.
Bên cạnh đó là phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; đổi mới tổ chức, phát triển kinh tế hợp tác, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực tế trong thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU ngày 26/4/2016. Kết quả đến hết năm 2020, Thành phố đã có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm) đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Sơn Tây được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Có 6 huyện (Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ, Thanh Oai, Sóc Sơn, Phú Xuyên) đã trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 367/382 xã (chiếm 96,1%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 166 xã so với năm 2021) về đích trước 02 năm so với mục tiêu đề ra, có 18 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 62.459 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư là 56.470 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp và nguồn khác…) là 5.989 tỷ đồng.
Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 đạt 2,54% đảm bảo mục tiêu đề ra (từ 2,5-3,0%); tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 đạt 38.093 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) tăng 14,6% so với năm 2015 và đạt 52.967 tỷ đồng (giá thực tế), tăng 30% so với năm 2015. Cơ cấu về giá trị sản xuất năm 2020: Trồng trọt, lâm nghiệp 41,58%; chăn nuôi, thủy sản 54,11%; dịch vụ nông nghiệp 4,38%.
Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân Hà Nội cũng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 55 triệu đồng/người/năm (năm 2020) vượt 6 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,5% (năm 2015) xuống còn dưới 0,37% (năm 2020).
Do đó, tôi tin tưởng Đảng ta phát huy dân chủ, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sẽ góp phần huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn, cùng với các nguồn lực khác để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, tiếp tục nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn văn minh.
Ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng: Hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao
Ông Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng (Hà Nội). (Ảnh: TTXVN) |
Những chủ trương, định hướng tại dự thảo Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng đúng với thực tế tại địa bàn.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU, năm 2015, Đan Phượng vinh dự là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Không dừng lại đó, huyện cũng đã xây dựng xã nâng thôn mới nâng cao và đã có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện phấn đấu 2 xã còn lại sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trong tháng 3/2021 để đến hết năm 2021 sẽ hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.
Trong đó, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch chung xây dựng huyện và quy hoạch phân khu S1, S2, GS làm căn cứ triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí đã huy động trong cả nhiệm kỳ 2016-2020 là hơn 2.482 tỷ đồng.
Huyện đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển các ngành nghề, tạo mặt bằng sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Xác định thế mạnh của huyện ven đô, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, huyện tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất hoa lan hồ điệp, rau hữu cơ, nấm với tổng diện tích là 52ha, diện tích nhà màng lưới 60ha. Đồng thời, huyện thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được 575,7ha; diện tích trồng cây ăn quả 666ha, trong đó chủ yếu là bưởi diện tích 500ha, thu nhập bình quân từ 500-650 triệu đồng/ha/năm; phát triển chăn nuôi xa khu dân cư tại xã Phương Đình, Trung Châu, diện tích 35ha.
Nhiệm kỳ 2021-2025, huyện sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ song hành nhau. Đó là, phát triển huyện thành quận đồng thời hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Trong dự thảo Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 trình Đại hội XIII của Đảng nêu bật nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, về nông nghiệp định hướng: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 75%, trong đó ít nhất 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. |