Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam tổ chức, duy trì nghiêm lực lượng trực sẵn sàng trong công tác cứu hộ - cứu nạn. Bộ Tham mưu thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các tàu đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển; nắm bắt chặt chẽ tình hình mưa, lũ để báo cáo, đề xuất kịp thời; liên tục kiểm tra về số lượng trang bị kỹ thuật, con người.
Cục Chính trị tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động của bộ đội trong công tác phòng, chống, hỗ trợ địa phương, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3; chủ động nắm chắc tình hình tại các đơn vị kết nghĩa, địa phương ven biển đã ký kết quy chế phối hợp. Cục Hậu cần kiểm tra lượng dự trữ lương thực thực phẩm của các đơn vị. Cục Kỹ thuật tiến hành hướng dẫn, theo dõi công tác khắc phục, bảo quản trang thiết bị kỹ thuật, nhà xe chuyên dùng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 gây ra.
Trước đó, với diễn biến phức tạp và mức độ tàn phá của bão số 3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã kịp thời nhận định đánh giá tình hình, quán triệt nghiêm các công điện chỉ đạo của trên; triển khai các biện pháp phòng, chống bão tới các cơ quan, đơn vị trong vùng bị ảnh hưởng.
Khi bão đổ bộ vào Biển Đông và đất liền nước ta, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện trực cứu hộ - cứu nạn 24/24h, liên tục tiếp nhận thông tin cập nhập tình hình nơi đóng quân; bảo đảm tốt thông tin liên lạc thông suốt, nhanh chóng, kịp thời. Các tàu Cảnh sát biển ở khu tránh bão đảm bảo an toàn.
Sau khi bão số 3 suy yếu, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã điều động tàu CSB 8004, xuồng CSB 721, 722 tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên khu vực Vịnh Hạ Long; đã cứu được 43 người trên 3 tàu và 4 xà lan, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bị nạn và bàn giao cho các cơ quan chức năng. Sau đó, tiếp tục điều động 7 tàu Cảnh sát biển, 4 xuồng Cảnh sát biển tham gia tìm kiếm, cứu nạn khu vực biển Quảng Ninh - Hải Phòng; huy động 270 cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả do bão gây ra trên địa bàn đóng quân.