Kết quả bỏ phiếu cho thấy 64% công nhân phản đối thỏa thuận đề xuất tăng lương 35% trong 4 năm. Đây là một thất bại lớn đối với Ortberg, người mới đảm nhiệm vị trí Giám đốc vào tháng 8 với cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với công nhân.
Việc bác bỏ đề xuất của Boeing, sau khi 95% công nhân đã bỏ phiếu phản đối hợp đồng đầu tiên hồi tháng 9, phản ánh sự bất mãn kéo dài của người lao động, những người cảm thấy bị công ty "qua mặt" trong các cuộc đàm phán cách đây một thập kỷ. Điều này càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tài chính của hãng.
Sau cuộc bỏ phiếu, các lãnh đạo công đoàn cho biết họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Boeing. Đây là cuộc thương lượng lớn đầu tiên kể từ năm 2014, khi công ty đe dọa chuyển dây chuyền sản xuất phiên bản mới của máy bay 777 ra khỏi khu vực để thực hiện thỏa thuận chấm dứt chế độ lương hưu truyền thống. Trong khi đó, phía Công đoàn đang đòi tăng lương 40% và khôi phục chế độ lương hưu theo mức đã định.
Công nhân nhà máy Boeing cũng bày tỏ sự thất vọng khi sau một thập kỷ, lương của họ "không theo kịp lạm phát", trong khi các nhà phê bình phàn nàn rằng hãng sản xuất máy bay này đã chi hàng chục tỷ USD để mua lại cổ phiếu và chi thưởng cao kỷ lục cho các giám đốc điều hành.
Boeing từ chối bình luận về kết quả bỏ phiếu.
Khoảng 33.000 thợ máy đã ngừng làm việc tại các nhà máy của Boeing ở khu vực Bờ Tây (Mỹ) từ ngày 13/9, khiến việc sản xuất máy bay 737 MAX bán chạy nhất cùng các dòng thân rộng 767 và 777 bị đình trệ.
Boeing, vốn là nhà xuất khẩu lớn nhất của nước Mỹ, và công đoàn lớn nhất của họ đang chạy đua với thời gian để đạt được thỏa thuận trước giai đoạn bận rộn của cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/11 tới đây.
Quyền Bộ trưởng Lao động Mỹ Julie Su đã đưa ra đề xuất mới nhất để tổ chức bỏ phiếu sau khi trực tiếp tham gia đàm phán với cả hai bên tại thành phố Seattle hồi tuần trước.
Jon Holden, người đàm phán hợp đồng chính của công đoàn, cho biết rằng sau cuộc bỏ phiếu của công đoàn, ông sẽ liên hệ với Nhà Trắng để xem liệu công đoàn có thể nhận được thêm hỗ trợ trong việc đàm phán với Boeing hay không.
Boeing là khách hàng lớn nhất của chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ Mỹ, vốn đang đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng.
Spirit AeroSystems, nhà cung cấp thân máy bay, đã cảnh báo rằng nếu cuộc đình công kéo dài quá cuối tháng 11, đợt sa thải và cắt giảm nhân sự nghiêm trọng sẽ diễn ra. Công ty này, đang trong quá trình được Boeing mua lại, đã thông báo cho 700 công nhân nghỉ việc tạm thời 21 ngày.
Boeing đã công bố kế hoạch cắt giảm 17.000 việc làm và đang chuẩn bị huy động tới 15 tỷ USD từ các nhà đầu tư để duy trì xếp hạng tín dụng đầu tư, trong khi một số hãng hàng không phải cắt giảm lịch bay do sự chậm trễ trong việc giao máy bay.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả quý, Boeing dự báo sẽ tiếp tục bị thâm hụt tiền mặt đến năm 2025. Chuyên gia phân tích Sheila Kahyaoglu của Jefferies nhận định sau cuộc bỏ phiếu rằng quyết định kéo dài đình công có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt tiền mặt dự kiến.
Boeing vẫn đang phải đối mặt với khủng hoảng chất lượng sau sự cố tấm panel thổi bay giữa không trung hồi tháng 1.
Việc công nhân bác bỏ đề xuất hôm 23/10 là lần thứ hai trong cuộc bỏ phiếu chính thức sau khi đề xuất tăng 25% lương trong bốn năm bị từ chối tháng trước, dẫn đến đình công.
Nhiều bình luận trên mạng xã hội và từ công nhân bên ngoài các điểm bỏ phiếu đã bày tỏ nghi ngờ về thỏa thuận.
Số liệu bỏ phiếu cho thấy hai bên đang tiến gần đến thỏa thuận nhưng vẫn có đa số ủng hộ việc kéo dài đình công.
Trước cuộc bỏ phiếu, Terrin Spotwood (20 tuổi), thợ máy tại bộ phận lắp ráp cánh 737, cho biết anh dự định chấp thuận hợp đồng vì đề xuất này "tốt, nhưng không tuyệt vời". Anh nói nhiều đồng nghiệp cũng có ý định tương tự vì họ "không thể từ chối hợp đồng này được. Họ phải quay lại làm việc".
Tuy nhiên, nhiều công nhân vẫn còn giận dữ về thỏa thuận cuối cùng đã ký cách đây một thập kỷ.