Phân tích về chủng virus này đang lưu hành ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo, cho thấy những xu hướng đột biến di truyền cho thấy khả năng lây truyền liên tục từ người sang người. Điều này có thể làm phức tạp thêm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở khu vực này, vốn đang hứng chịu một đợt bùng phát mạnh.
Tiến sĩ Placide Mbala, Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Kinshasa, người đồng dẫn đầu nghiên cứu, khẳng định: "Chúng ta biết rằng virus sẽ tiến hóa - chúng ta đã chứng kiến điều này với Ebola, với COVID và chúng ta cũng dự kiến sẽ thấy nó với virus đậu mùa khỉ."
Kết quả sơ bộ, chưa qua bình duyệt, được đăng trên diễn đàn thảo luận về gen học dịch tễ Virological ngày 22/10.
Có 4 biến thể chính của virus đậu mùa khỉ, được chia thành các clade Ia, Ib, IIa và IIb. Trước đây, các chủng clade I chủ yếu xuất hiện ở Trung Phi, trong khi clade II gặp nhiều ở Tây Phi.
Tình hình đã thay đổi vào giữa những năm 2010, khi một chủng clade II gây ra đợt bùng phát ở Nigeria. Một số nhà nghiên cứu lúc đó đã nghi ngờ biến thể này có thể lây truyền qua đường tình dục, như dự đoán đúng cho đợt bùng phát toàn cầu của chủng clade IIb vào năm 2022, lây nhiễm hơn 90.000 người.
Trong khi đó, các chủng clade I gây nhiễm các ca bệnh cá biệt ở Trung Phi hơn 50 năm nay, chủ yếu ở các vùng nông thôn. Nhưng vào cuối năm 2023, các nhà nghiên cứu nhận diện một đợt bùng phát nhanh chóng của chủng Ib, ở các khu vực đông dân cư, thành thị ở miền đông CHDC Congo.
CHDC Congo đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề, với gần 36.000 ca nhiễm nghi ngờ và hơn 1.000 ca tử vong vì đậu mùa khỉ trong năm 2024.
Giờ đây, chủng clade Ia cũ cũng đang gây lo ngại khi bùng phát ở miền tây Congo và Kinshasa. Sự lưu hành đồng thời của cả Ia và Ib tại thủ đô này đe dọa 17 triệu dân cư và làm tăng khả năng chủng clade I lây lan ra quốc tế, khi Kinshasa là trung tâm giao thông quan trọng.
Qua giải trình tự gen, các nhà nghiên cứu nhận diện được những xu hướng đột biến di truyền cụ thể trong các mẫu virus Ia và Ib ở Kinshasa. Điều này gợi ý virus đang trải qua "cuộc chiến không ngừng" với hệ thống miễn dịch con người, một mô hình khó xuất hiện nếu không có sự lây lan liên tục giữa người với người.
Những phát hiện mới cho thấy chủng clade Ia ở Kinshasa có thể cũng đã nhận được khả năng lây lan qua đường tình dục. Các nhà nghiên cứu đã báo cáo trường hợp lây nhiễm clade I có thể qua đường tình dục đầu tiên vào năm ngoái, và một báo cáo tương tự khác sắp được công bố.
Mặc dù kế hoạch triển khai liều vaccine đầu tiên ở châu Phi không có khả năng thay đổi, các nhà nghiên cứu khuyến cáo cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến nhanh chóng của virus đậu mùa khỉ ở Trung Phi, đồng thời nâng cao công tác giám sát và hiểu biết về các yếu tố thúc đẩy sự tiến hóa và lây lan của virus.