Người quản lý họ Guan đã liên tục rủ rê cô nhân viên nữ Wang Qi đi khách sạn và đe dọa sẽ sa thải nếu cô gái không đồng ý. Trong suốt 6 tháng, cô Wang đã từ chối những lời rủ rê khiếm nhã. Nhưng Guan không từ bỏ mục tiêu. Người quản lý này tiếp tục đe dọa cô gái rằng ngân hàng sẽ sớm lựa chọn một số nhân viên để sa thải, “nhưng có những phương án khác, tùy thuộc vào quyết định của cô”.
Quyết định của Wang là một quyết định đầy khó khăn. Cô xin thôi việc và trở thành người thất nghiệp. “Đối với tôi, danh dự là tất cả, sau đó mới đến việc làm và tiền bạc. Nếu mất đi danh dự, thì tiền bạc không còn ý nghĩa gì”.
Tin nhắn gạ tình |
Khi những bức ảnh chụp tin nhắn gạ gẫm của quản lý Guan rò rỉ lên mạng xã hội, thì câu chuyện mới dần được giải quyết. Ngân hàng CMBC ban đầu lảng tránh không muốn dính líu gì đến vụ việc này. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng lớn từ dư luận, CMBC không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tuyên bố sẽ sa thải người quản lý này và yêu cầu anh ta phải có lời xin lỗi.
Cách hành xử của CMBC phản ánh một thực trạng chung trong các công sở Trung Quốc: Các nhà tuyển dụng đã thất bại một cách có hệ thống trong việc tạo ra môi trường làm việc lành mạnh và bảo vệ các nhân viên của mình. Sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, nữ nhân viên Wang vẫn thất nghiệp, vẫn không nhận được khoản đề bù nào từ phía ngân hàng. Và nếu không kể tới cơn bão phẫn nộ từ phía dư luận, thì quản lý Guan gần như cũng không phải chịu hậu quả cho việc làm của mình: Không bị điều tra, không phải đền bù, không có tiền sự, cũng không phải chịu một chút trách nhiệm pháp lý nào. Khi cái giá của việc công khai phản kháng lại các hành vi quấy rối tình dục là quá đắt, thì rất nhiều nạn nhân chỉ còn biết im lặng trong bất lực.
Điều đáng buồn là những sự vụ tương tự hoàn toàn không hiếm gặp tại Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác. Đây là những nước không có những điều luật đủ sức răn re để buộc người tuyển dụng phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý về bảo vệ người lao động hay để bảo vệ nạn nhân khỏi nguy cơ bị trả thù. Những nhà tuyển dụng như CMBC có thể tùy ý không đền bù cho người bị hại và dung túng kẻ xấu, tất cả những gì họ phải làm gì là ra trước công chúng đưa ra những lời xin lỗi sướt mướt để giữ gìn thể diện cho chính mình.
Hiếm khi trình báo, hiếm khi xử lý
Mỗi ngày, có 330 triệu phụ nữ Trung Quốc rời nhà tới nơi làm việc. Và theo một khảo sát của Đại học Thành thị Hồng Kông, có tới 80% phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã từng là nạn nhân của quấy rối tình dục. Tình trạng quấy rối tình dục và bạo lực giới tính tại nơi làm việc, đặc biệt là trong những ngành nghề thu nhập thấp và quản lý lỏng lẻo như ngành bán lẻ và giúp việc gia đình, tiếp tục diễn ra nhức nhối nhưng thầm lặng. Hiếm khi được trình báo, cũng hiếm khi được xử lý.
Dù các vụ việc quấy rối tình dục xảy ra thường xuyên ở Trung Quốc, nhưng những kẻ gây án và người tuyển dụng họ thường không mấy khi phải chịu trách nhiệm pháp lý. Đạo luật Bảo vệ Quyền và Lợi ích Phụ nữ đã được nước này thông qua năm 2015, hứa hẹn những biện pháp bảo vệ phụ nữ khỏi nguy cơ bạo lực tình dục và tạo hành lang pháp lý để đưa những kẻ gây án ra trước tòa, cũng như buộc các nhà tuyển dụng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ việc quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, thực tế trần trụi là tòa án gần như không thể mang lại những phán quyết công bằng và thích đáng trong vấn đề này. Các nguyên đơn phải đối mặt với vô số bất cập trước tòa, từ việc các hình phạt quá nhẹ, quá hình thức, cho đến việc gánh nặng chứng minh đặt lên vai các nạn nhân quá nặng nề. Thẩm phán Zhang Jiangzhou thuộc Tòa án nhân dân quận Hải Điền ở Bắc Kinh cho biết, trong 10 năm qua đã có 10 vụ kiện quấy rồi tình dục ở nơi làm việc được xét xử tại tòa án này, nhưng chỉ có một vụ nguyên đơn thắng kiện. Nguyên nhân bởi khái niệm quấy rối tình dục vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.
Các cuộc chiến pháp lý không phải trở ngại duy nhất đối với các nạn nhân quấy rối tình dục. Sự thờ ơ, lảng tránh của bộ phận nhân sự và đại diện công đoàn cũng khiến họ nhụt chí. Trong trường hợp của nữ nhân viên Wang, các đồng nghiệp tiết lộ rằng khi cô gái cố gắng thông báo với bộ phận nhân sự của ngân hàng về việc mình bị gạ gẫm, họ đã trả lời rằng Wang “thiếu chứng cớ” và sự việc “chưa đủ tầm quan trọng” bởi vì “mới chỉ dừng lại ở mức độ tin nhắn”. Ngân hàng cũng được cho là đã thờ ơ với trường hợp của Wang bởi vì cô chỉ là một nhân viên thời vụ chứ chưa có hợp đồng chính thức.
Nguyên nhân sâu xa
Việc thiếu một khái niệm pháp lý rõ ràng, cũng như quan điểm đúng đắn của xã hội về quấy rối tình dục khiến cho thực trạng này xảy ra lan tràn, thiếu kiểm soát. Nhiều người quan niệm rằng quấy rối tình dục chỉ xảy ra khi có đụng chạm về thể xác và bỏ qua sự tồn tại của các hình thức quấy rối tình dục khác như những lời gạ gẫm, đùa cợt, nhận xét khiếm nhã hoặc hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy nơi công sở…
Các nghiên cứu cho thấy hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cả bằng hành động và lời nói, đều dẫn đến những thiệt hại cả cho nạn nhân và cho nhà tuyển dụng. Đối với các nạn nhân, quấy rối tình dục là hành vi khó chịu, thô bạo, đáng sợ, gây xấu hổ và căng thẳng. Quấy rối tình dục thường dẫn đến tình trạng căng thẳng cả về tinh thần và thể chất, cũng như những bệnh lý có liên quan đến stress. Một nghiên cứu tiến hành ở Hoa Kỳ đã chỉ ra sự liên quan giữa quấy rối tình dục và tỉ lệ nghỉ làm, bỏ việc, xin chuyển ví trí công việc, sự giảm sút trong tinh thần và năng suất lao động. Tuy nhiên, rất nhiều nhà tuyển dụng như ngân hàng CMBC dường như không coi đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết.
Để lý giải cho điều này, một số nhà quan sát cho rằng thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đặc biệt là ở các nước châu Á, có một phần nguyên nhân từ những định kiến cũ kỹ nhưng khó xóa bỏ về vai trò của nam giới và nữ giới. Thủ phạm quấy rối tình dục thường là đồng nghiệp, cấp trên hoặc khách hàng của nạn nhân. Mặc dù nam giới đôi khi cũng trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, nhưng đa số nạn nhân là nữ giới.
Quấy rối tình dục là cách mà một số người đàn ông thể hiện quyền lực của mình trước phái yếu. Khi phụ nữ trở thành nạn nhân quấy rối tình dục tại nơi làm việc, họ thường cảm thấy lo lắng bất an và mất tự tin, từ đó trở nên lép vế hơn so với các đồng nghiệp nam của mình. Điều này khiến tình trạng bất bình đăng giới tại nơi làm việc càng trở nên nghiêm trọng, trở thành một vòng luẩn quẩn rất khó giải quyết.
Đối với nữ nhân viên Wang, cũng như rất nhiều nạn nhân quấy rối tình dục khác ở Trung Quốc, luật pháp lỏng lẻo và sự vô cảm của các nhà tuyển dụng khiến họ không có được sự bảo vệ cần thiết trước các đối tượng quấy rối tình dục nơi công sở.
Trường hợp của Wang cũng là một câu trả lời cho câu hỏi vì sao có quá ít vụ việc quấy rối tình dục được trình báo tại Trung Quốc: Đối với các nạn nhân, việc lên tiếng đòi quyền lợi thường kéo theo nhiều rắc rối cho họ, có thể kể đến việc bị sa thải, bị buộc thôi việc, bị chèn ép và trả thù trong công việc. Nếu không có những thay đổi cơ bản trong luật pháp về bảo vệ người lao động, và nếu không có những hình phạt cứng rắn hơn giành cho thủ phạm và những nhà tuyển dụng không tôn trọng luật pháp, nếu không có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của bình đẳng giới, thì một sự thay đổi theo hướng tích cực hơn trong môi trường làm việc rất khó diễn ra.
Tín hiệu mừng
Tuy thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc vẫn là một vấn nạn ở Trung Quốc và các quy định pháp lý vẫn còn lỏng lẻo, nhưng phụ nữ Trung Quốc cũng đang ngày một có ý thức bảo vệ bản thân hơn trước tệ nạn này.
Theo giáo sư xã hội học Trung Quốc Li Yinhe, thế hệ phụ nữ Trung Quốc mới, một phần lớn trưởng thành trong gia đình chỉ có một con, đã có sự tự tin và sự nhạy cảm trước các hành vi quấy rối bằng hành động và lời nói hơn các thế hệ trước đó. Phụ nữ thế hệ mới cũng nhanh nhạy và chủ động trong việc sử dụng các phương tiện thu thập chứng cứ cầm thiết để đưa những kẻ quấy rối ra trước ánh sáng.
Trong những năm gần đây, số vụ việc quấy rối tình dục được trình báo lên nhà chức trách đã tăng lên đáng kể. Tuy đó là thông tin đáng buồn, nhưng nó cũng mang theo tín hiệu đáng mừng là phụ nữ đã dám đứng lên, vượt qua những định kiến của xã hội để bảo vệ bản thân mình và nói không với quấy rối tình dục nơi công sở.
Tuy nhiên, trách nhiệm tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, không có tệ nạn quấy rối tình dục, vẫn thuộc về phía các nhà tuyển dụng - những người cần hiểu rằng xóa bỏ tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở là việc cần làm vì quyền lợi của chính mình.