Mỗi đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, cha mẹ vẫn không thôi lo lắng

(Ngày Nay) - Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA đã phải thốt lên đau đớn: “Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ mà khi con chúng ta bị xâm hại thì không biết kêu ai. Ai cũng nói đau xót, nhưng đã làm được gì hay chỉ biết đau thôi?”. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là câu hỏi mà bà Vân Anh đặt ra trong tọa đàm xâm hại tình dục “Im lặng hay lên tiếng” do mạng Liên minh truyền thông và quyền của nhóm dễ bị tổn thương, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên cùng Mạng lưới phòng ngừa bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái (GBVnet) tổ chức tại Hà Nội ngày 14/3.

Quá ít kẻ xấu bị xử lý

Có mặt trong buổi tọa đàm, anh N.T.V (Hà Nội) - cha của một bé gái 3 tuổi bị xâm hại tình dục đã phải bật khóc khi nhắc lại câu chuyện đau lòng xảy ra với con gái mình. Anh V. cho biết, 2 năm trước con gái 3 tuổi của anh khi sang nhà hàng xóm chơi đã bị người đàn ông này dụ dỗ, dâm ô.

Khi phát hiện câu chuyện, anh V. có sang đối chất thì người này xin lỗi và viết giấy cam kết không tái phạm. Bản thân anh V. sau đó cũng lên cơ quan công an để trình báo sự việc. Ngay lập tức, con gái anh được đưa đi giám định pháp y. Trong bản kết luận, các bác sỹ khẳng định: Cháu bé có dấu hiệu bị dâm ô, bộ phận sinh dục bị trầy xước. Cuối năm 2016, anh V. nhận được thông báo của cơ quan công an về việc sẽ tiến hành khởi tố đối với kẻ xâm hại con gái mình. Tuy nhiên, từ đó đến nay vụ việc đã bị rơi vào im lặng. Người hàng xóm gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Chị H.(Thạch Thất - Hà Nội) cũng 2 năm rồi đi gõ cửa các cơ quan, các tổ chức xã hội để đòi lại công bằng cho con gái mình. Thế nhưng, dù đã tiến hành lấy lời khai hung thủ, thu thập các chứng cứ cần thiết mà vụ việc vẫn chưa có tiến triển nào. “Tôi đau đớn như “chết đi sống lại” khi cháu kể lại rành rọt bị người đàn ông hàng xóm lạm dụng vào chỗ kín như nào, bắt cháu quan hệ ra sao? Một đứa bé còn quá non nớt mới có vài tuổi đầu làm sao có thể tự nghĩ những chuyện như vậy để xúc phạm, hạ danh dự người khác? Vậy mà tôi không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn không có động thái gì để xử lý vụ việc".

Bà Lê Thị Hoàng Yến, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho hay: “Luật quy định rõ có 15 cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Chúng tôi đã cố gắng góp tiếng nói bảo vệ, song vẫn có những khe hở pháp luật”.

Ở góc độ pháp luật, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước về Quyền Trẻ em năm 1990. Hiến pháp Việt Nam cũng khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể và quyền được pháp luật bảo vệ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của công dân. Việt Nam cũng là nước có riêng bộ luật về trẻ em và nhiều quy định luật pháp, chính sách tiến bộ về bảo vệ trẻ em, có một bộ máy khá toàn diện về chăm sóc và bảo vệ trẻ em từ trung ương đến địa phương. Thế nhưng trong rất nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, rất ít kẻ xấu bị vạch mặt. Rất nhiều vụ án xâm hại tình dục ở trẻ em đến giờ vẫn chưa được phanh phui, giải quyết, thậm chí có nguy cơ "chìm xuồng".

Thực thi luật đang rất "có vấn đề"

Là người trợ giúp pháp lý cho em bé ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội) bị xâm hại tình dục gần đây, luật sư Lê Văn Luân, chuyên gia về luật Hình sự cho hay: luật Hình sự hiện hành quy định nhiều tội liên quan đến XHTD, nhưng hình phạt đang rất thấp, quá trình điều tra trọng chứng hơn trọng cung. Trong khi đó, tội dâm ô chẳng có dấu vết, buộc phải dựa vào nhân chứng, thực nghiệm hiện trường, đối chất.

“Pháp luật hình sự đang có khoảng trống trong thực thi. Luật Hình sự quy định tội dâm ô phải là xâm hại trực tiếp đến thân thể thì mới cấu thành tội. Trong khi ở nhiều nước, nếu chỉ gợi ý sex, dụ dỗ, gạ gẫm, cho xem tranh ảnh khiêu dâm thì cũng cấu thành tội. Còn ở ta xử lý rất chậm chạp, cơ quan điều tra nhất định phải dựa vào chứng cứ mới điều tra, chờ đến khi kẻ ác xâm hại thân thể trẻ em thì mới cấu thành tội”, ông Luân bức xúc.

Mỗi đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, cha mẹ vẫn không thôi lo lắng ảnh 1Luật sư Lê Văn Luân chia sẻ quan điểm tại tọa đàm

 Ở các nước khác trên thế giới, họ phân hóa hành vi rất rõ ràng. Chỉ cần có sự dụ dỗ, gạ gẫm xem phim sex, hoặc động chạm vào các bộ phận nhạy cảm của người khác mà không được phép đã cấu thành tội. Thế nhưng ở Việt Nam, chúng ta lại chưa làm được điều này. Trong nhiều vụ án, các cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại: “Đây là một điều khá vô lý, bởi đối với các vụ dâm ô mà kẻ gây án chỉ tiếp xúc với bộ phận sinh dục của nạn nhân thì làm sao để lại dấu vết? Hoặc nếu gia đình nạn nhân phát hiện muộn cũng khó thu thập chứng cứ.

Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng, hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay vẫn còn đang khá lỏng lẻo. Việt Nam vừa mới thông qua Luật Trẻ em và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2017. Tuy nhiên, khái niệm về “xâm hại tình dục” trong Luật này vẫn còn chưa đầy đủ.

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển xã hội thẳng thắn: ngoài yếu tố về luật pháp thì chính rào cản văn hóa, sự kỳ thị đối với các nạn nhân trong những vụ xâm hại tình dục đã khiến vấn nạn này ngày càng trở nên nghiêm trọng, phổ biến. Trong quan niệm của chúng ta, tình dục vốn được coi là bản năng thấp kém của con người. Vì thế, nói về tình dục là nói về việc đáng xấu hổ, nhất là chuyện bị xâm hại tình dục. Nhiều người thay vì bày tỏ thông cảm với nạn nhân lại quay ra nghi ngờ, chê trách họ vì đã gây ra sự chú ý, dễ dãi trong ăn mặc hoặc dại dột chơi với kẻ xấu.

Mỗi đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, cha mẹ vẫn không thôi lo lắng ảnh 2TS Khuất Thu Hồng: "Nhiều gia đình im lặng vì sợ cuộc sống sẽ xáo trộn, sợ con gái lớn lên không lấy được chồng, sợ tương lai gia đình bị hủy diệt vì xã hội chúng ta quen đổ lỗi con gái..."

Trước những lỗ hổng đáng lo ngại về luật và rào cản văn hóa, Mạng lưới ngăn ngừa ứng phó và bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) đã ra “tâm thư” khẩn thiết kêu gọi các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết kịp thời và thấu đáo các vụ xâm hại tình dục đã được tố cáo để lấy lại danh dự, ổn định cuộc sống và tinh thần cho nạn nhân và gia đình, đáp ứng mong mỏi của dư luận xã hội; Quốc hội và các cơ quan pháp luật rà soát hệ thống pháp luật, chính sách liên quan nhằm tăng cường quyền lực cho công cụ pháp lý bảo vệ tính mạng, nhân phẩm và quyền lợi của công dân, đặc biệt là trẻ em; Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật để đảm bảo tất cả các vụ xâm hại tình dục trẻ em phải được đưa ra ánh sáng và giải quyết thấu đáo…

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), mỗi năm trung bình có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, trong số 1.000 vụ XHTD, thì số trẻ em là nạn nhân chiếm đến 65%, đa số nạn nhân là nữ ở độ tuổi 12 - 15 (chiếm 57,46%). Đặc biệt, số trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại là vấn đề rất đáng báo động, chiếm tới 13,2%. Tuy nhiên, con số này chỉ là phần nhỏ so với thực tế. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 em bị xâm hại tình dục, hay cứ 8 giờ trôi qua thì lại có ít nhất một trẻ bị xâm hại tình dục. Nạn nhân thậm chí bị giết chết để bịt đầu mối hoặc bị đe doạ để không dám tố cáo.

TIN LIÊN QUAN
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
Tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024 tại Hà Nội
(Ngày Nay) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Nhà hát Múa rối Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Liên hoan Múa rối quốc tế - 2024, dự kiến diễn vào tháng 10/2024, tại Hà Nội.
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
Bảo đảm môi trường du lịch an toàn cho du khách dịp nghỉ lễ
(Ngày Nay) - Trước nhu cầu du lịch dự báo sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, tổ chức, cá nhân quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và giữ gìn môi trường du lịch Thủ đô.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp: Châu Âu cần bớt lệ thuộc vào Mỹ
(Ngày Nay) - Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần cần thay đổi quy mô phòng thủ giúp châu lục này thiết lập đối thoại với các nước thứ ba, bớt lệ thuộc vào Mỹ và có khả năng đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa.
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.