Trong báo cáo mang tên "Tình trạng các rạn san hô của thế giới: 2020", 300 nhà khoa học thuộc Mạng lưới Giám sát rạn san hô đã tổng hợp gần 2 triệu dữ liệu từ 12.000 trang web tại 73 quốc trong 40 năm.
Báo cáo này là cuộc khảo sát toàn cầu thứ 6 về tình trạng san hô kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên vào năm 2008. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cùng Sáng kiến rạn san hô quốc tế - một đối tác của các chính phủ và các tổ chức nghiên cứu chú trọng tới bảo tồn các rạn san hô và các hệ sinh thái liên quan.
Các nhà nghiên cứu đã đối chiếu các khu vực có san hô cứng sống khỏe mạnh với những khu vực bị tảo xâm chiếm.
Qua đó, họ nhận thấy diện tích các rạn san hô bị thu hẹp từ năm 2009-2018 ở các mức khác nhau tùy theo khu vực, từ 5% tại khu vực Đông Á cho tới 95% tại khu vực nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương. Chịu tác động nặng nề nhất là ở khu vực Nam Á và Thái Bình Dương, quanh Bán đảo Arab và ngoài khơi Australia.
Trong khi đó, "Tam giác san hô" Đông và Đông Nam Á - chiếm gần 30% diện tích các rạn san hô trên thế giới - chịu ít tác động hơn so với các khu vực khác trong thập kỷ qua, một số trường hợp còn cho thấy sự phục hồi. Theo các nhà nghiên cứu, khả năng chống chịu và phục hồi này có thể do một số loài chỉ có riêng ở khu vực "Tam giác san hô" và đây có thể là gợi ý cho các chiến lược thúc đẩy sự sinh trưởng của san hô ở những nơi khác.
Đồng tác giả Paul Hardisty, Giám đốc điều hành Viện Khoa học biển của Australia nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên thế giới". Tuy nhiên, ông bày tỏ sự lạc quan thận trọng, nhận định "một số rạn san hô đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể, mở ra hy vọng về sự hồi sinh trong tương lai của các rạn san hô bị suy thoái."
Giám đốc điều hành UNEP, bà Inger Anderson, lưu ý rằng kể từ năm 2009, diện tích san hô chết trên thế giới nhiều hơn tổng diện tích san hô sống ở Australia. Bà nhấn mạnh: "Chúng ta có thể đảo ngược tình trạng này, song phải hành động ngay bây giờ."