20 tỷ đồng và bước đột phá
Phải mất rất nhiều tâm sức và thời gian, từ 2017, ngành thể thao mới được các bộ ngành chấp nhận ưu tiên một chế độ đầu tư riêng cho các tuyển thủ trọng điểm đặc biệt. Để rồi qua chọn lựa kỹ lưỡng, các nhà quản lý đã đề ra được một bản danh sách gồm 55 tuyển thủ của 19 môn được hưởng các mức tiền công, dinh dưỡng, trang thiết bị dụng cụ, tập huấn thi đấu riêng.
Và có thể thấy, giải pháp với nguồn đầu tư lên tới 20 tỷ đồng/năm ấy đã lập tức phát huy hiệu quả. Trong đó, điều dễ thấy nhất, mỗi tuyển thủ trọng điểm đã có mức tiền công 400 nghìn đồng/ngày, tương ứng với 10, 4 triệu đồng mỗi tháng, gấp đôi so với khi còn là tuyển thủ thường.
Cùng đó, với mức 400 nghìn đồng một ngày, các tuyển thủ trọng điểm đã được ăn với nhiều sự lựa chọn và chất lượng rất cao. Cùng đó, chuyện thuốc và thực phẩm thuốc, trang thiết bị dụng cụ cũng có sự thay đổi căn bản. Nếu trước đây, họ chỉ được cấp phát nhỏ giọt những đôi giày vài trăm nghìn đồng thì giờ đã được sử dụng những đôi giày 3-4 triệu, với số lượng tối đa.
Sau hai năm thực hiện, nhất là qua thước đo ASIAD, rõ ràng, ngành thể thao cần tổng kết lại một cách kỹ lưỡng chuyện đầu tư trọng điểm cho các tuyển thủ xuất sắc. Bởi 20 tỷ đồng là một khoản kinh phí cực lớn và cực khó để được đầu tư với TTVN. Bởi 2.000 tuyển thủ và tuyển thủ trẻ quốc gia cũng chỉ có 50-60 gương mặt đạt tới tầm mức trọng điểm”
Quan trọng hơn, ngành thể thao cũng đã dồn nguồn lực để ưu tiên tối đa các chuyến tập huấn thi đấu, nhất là các giải quốc tế tầm cao, cho những tuyển thủ ưu tú. Đơn cử tài năng trẻ môn karatedo Nguyễn Thị Ngoan, trung bình mỗi tháng được tranh tài ít nhất một giải thế giới tầm cỡ thay vì chỉ mài tay tại Nhổn. Có nghĩa là, hầu hết các tuyển thủ xuất sắc nhất của TTVN đều đã được đầu tư với sự khác biệt căn bản so với phần còn lại, theo một quy trình, điều kiện bước đầu tiếp cận được với chuần quốc tế.
Thành quả của rất nhiều tuyển thủ tại SEA Games 29 và nhất là ASIAD 2018 chính là minh chứng sinh động cho giải pháp đầu tư trong điểm của TTVN.
Quy trình còn nhiều lỗ hổng
Tuy nhiên, ngay cả những mặt rất tích cực kể trên cũng chưa hề đặc biệt so với mặt bằng chung quốc tế và đòi hỏi thực tế. Đáng nói hơn, đó là một quy trình nhiều thiếu hụt, gắn với điều kiện, nguồn lực của các Trung tâm Huấn luyện quốc gia, khi mà hầu hết các tuyển thủ trọng điểm đều tập huấn tại chỗ. Rõ nhất chính là chuyện dinh dưỡng, y học và thuốc men vốn ngày càng quan trọng đối với thể thao thành tích cao. Dù đã có khác song các tuyển thủ trọng điểm cũng chỉ được ăn nhiều hơn, với nhiều món hơn, chứ chưa được đáp ứng theo đúng đặc thù từng môn. Một phần vì số tiền 400 nghìn đồng hãy còn chưa cao, phần nữa bởi khả năng đáp ứng của các bếp ăn.
Các tuyển thủ trọng điểm, kể cả một số niềm hi vọng Vàng trước các đấu trường quốc tế hàng đầu cũng không có chế độ chăm sóc y học riêng. Chẳng những không có bác sĩ đảm trách việc hồi phục, phòng chống chấn thương, nâng cao thể lực mà cũng chỉ được cung cấp thuốc, thực phẩm thuốc nhỏ giọt theo kiểu “no dồn đói góp”.
Quy trình, giải pháp chung còn nhiều thiếu hụt cơ bản như vậy, chuyện triển khai thực hiện của một số môn lại phơi bày những yếu kém, trục trặc, dẫn đến sự lãng phí của nhiều trường hợp. Điển hình như xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Ánh Viên hay tài năng trẻ trên đường chạy Lê Tú Chinh.
Thế nên người ta phải ngã mũ trước nội lực phi phàm của thầy trò Bùi Thu Thảo, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh- những người lập kỳ tích tại ASIAD song cũng phải chào thua về chuyện đầu tư mang tiếng trọng điểm cho họ. Như nhìn nhận hồn nhiên và thẳng thắn của nhà vô địch ASIAD Bùi Thị Thảo, thì chuyện đầu tư trọng điểm với mình chỉ khác duy nhất mấy triệu đồng tiền công.
Luẩn quẩn chuyện tiền công và tiền ăn
Rõ ràng chủ trương đầu tư trọng điểm cho các tuyển thủ xuất sắc mà ngành thể thao triển khai trong hai năm nay là hoàn toàn chuẩn xác, cần thiết và phát huy tác dụng tốt. Tuy nhiên, để thực sự tạo nên bước đột phá, nó cần được những điều chỉnh căn bản cả về nguồn lực lẫn quy trình thực hiện. Tất cả sự thay đổi đó, có lẽ trước hết phải xuất phát từ chính ngành thể thao, trực tiếp là các nhà quản lý, huấn luyện viên, tuyển thủ. Tuy nhiên, có vẻ như ngay từ cách thức tiếp cận của những người trong cuộc đã có vấn đề, với một vòng luẩn quẩn của chuyện tiền công và tiền công. Qua khảo sát của các HLV, VĐV thuộc diện được đầu tư trọng điểm đều chỉ mong được nâng mức tiền ăn và nhất là tiền công cao lên.
Có thể chia sẻ với mong muốn của các HLV, VĐV bởi suy cho cùng chuyện tiền ăn, tiền công là nhu cầu thiết thực và chính đáng của họ. Trong đó, với một mức thu nhập thấp như hiện tại, nếu được tăng thêm chỉ vài triệu, đã có thể tạo nên một động lực phấn đấu lớn.
Thế nhưng kể cả điều đó được đáp ứng vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn, chứ không giải quyết được những sự thiếu hụt, lỗ hổng trong việc tập huấn thi đấu. Đó là khả năng đáp ứng dinh dưỡng yếu kém của các địa điểm nuôi quân, là việc thiếu thuốc và thực phẩm thuốc nghiêm trọng, hay chuyện thiếu kinh phí cho các chuyến tập huấn thi đấu quốc tế, rồi thuê chuyên gia. Chẳng phải tuyển thủ nào cũng có thể không cần xuất ngoại cọ xát, rèn giũa, không cần thuốc men, bác sĩ vẫn có thể thành công như Bùi Thu Thảo, một trường hợp đặc biệt tới mức ngoại lệ.
Mấu chốt câu chuyện ở đây suy cho cùng không phải nằm ở nguồn 20 tỷ đồng mỗi năm, mà phương thức đầu tư như thế nào.