3 kịch bản cho cuộc khủng hoảng Qatar

(Ngày Nay) - Nguy cơ chiến tranh nổ ra ở vùng Vịnh từ khủng hoảng Qatar là rất thấp, khi các nước đều muốn giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao.
    3 kịch bản cho cuộc khủng hoảng Qatar

    Quốc gia giàu có bậc nhất thế giới Qatar đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất từ trước tới nay, khi 10 nước tuyên bố cắt đứt quan hệ và đẩy Doha vào tình trạng gần như bị cô lập hoàn toàn.

    Cây bút bình luận Ralph Jennings của Forbes cho rằng cuộc đối đầu giữa Qatar và các cường quốc vùng Vịnh khó có thể sớm kết thúc trong ngày một ngày hai, khi Arab Saudi và các đồng minh cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố, còn Doha bác bỏ và tuyên bố sẽ không nhượng bộ. Theo Jennings, cuộc khủng hoảng này có thể sẽ dẫn tới những kịch bản sau.

    Giằng co

    Khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao, đóng cửa biên giới trên bộ, trên không, trên biển với Qatar, các quốc gia vùng Vịnh hy vọng Doha sẽ bị cô lập về mọi mặt và phải nhanh chóng nhượng bộ trước sức ép ngày càng lớn từ bên trong lẫn bên ngoài.

    Tuy nhiên, Jennings chỉ ra rằng dù đối đầu với những người láng giềng, Qatar vẫn có bạn bè, đồng minh trong khu vực và quan trọng hơn là quốc gia này có tiềm lực tài chính rất hùng hậu.

    Khi nguồn cung cấp thực phẩm và các mặt hàng nhập khẩu qua đường bộ ở Arab Saudi bị chặn lại, người dân Qatar bắt đầu rơi vào cảnh thiếu thốn nguồn cung nhu yếu phẩm. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ngay lập tức vào cuộc để tương trợ và giúp nước này vượt qua khó khăn.

    Ankara hôm 9/6 cam kết sẽ cung cấp thực phẩm và thuốc men theo nhu cầu của Qatar. Iran hôm qua điều 5 máy bay chở 450 tấn thực phẩm tới Doha, ba tàu vận tải chở rau quả cũng vừa rời cảng để tới Qatar bằng đường biển.

    3 kịch bản cho cuộc khủng hoảng Qatar ảnh 1Qatar khó rơi vào khủng hoảng lương thực nhờ sự trợ giúp từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TOI. 

    Philippines mới đây cũng tuyên bố rằng sẽ nới lỏng lệnh cấm người lao động tới Qatar làm việc, giúp nước này tránh được một cuộc khủng hoảng về nhân lực, bởi số lao động Philippines làm việc ở nước này còn nhiều hơn cả công dân Qatar.

    "Qatar có một số lựa chọn khác để nhập khẩu thực phẩm, trong đó có ngả đường không và đường biển giáp Iran vốn chưa bị phong tỏa", Giorgio Cafiero, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Phân tích vùng Vịnh (GSA), nói. "Thực phẩm nhập khẩu bằng đường này sẽ đắt hơn so với qua đường bộ ở Arab Saudi, nhưng Qatar có đủ nguồn lực tài chính để trang trải".

    Giới quan sát cũng cho rằng chiến dịch phong tỏa Qatar hiện nay của các nước vùng Vịnh cũng đẩy Mỹ vào tình thế khó xử, bởi Qatar là nơi có căn cứ quân sự quy mô lớn của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng đã lên tiếng kêu gọi Arab Saudi và các nước Arab khác nới lỏng biện pháp phong tỏa vì lý do nhân đạo.

    "Chúng ta đã thấy tình trạng thiếu thốn thực phẩm, các gia đình bị ly tán và trẻ em không được đến trường. Chúng tôi tin rằng đây là những hậu quả ngoài ý muốn, đặc biệt là trong tháng lễ Ramadan, nhưng chúng cần được giải quyết ngay lập tức".

    Trong tình thế vẫn duy trì được nguồn mạch tiếp tế, Qatar vẫn sẽ khó nhượng bộ trước áp lực của các nước vùng Vịnh, khiến cuộc đối đầu có thể sẽ giằng co trong nhiều tháng tới, Jennings nhận định.

    Chiến tranh

    Theo Firas Abi Ali, chuyên gia phân tích cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi của HIS Markit, các nước vùng Vịnh tính toán rằng trong tình trạng bị phong tỏa, Qatar sẽ phải nhượng bộ các yêu cầu của khối Arab trong vòng 3-6 tháng để hạ nhiệt căng thẳng. Yêu cầu đó bao gồm Doha phải thay đổi chính sách và cách tiếp cận của mình, trục xuất các lãnh đạo nhóm Hamas và Taliban cũng như các giáo sĩ phong trào Anh em Hồi giáo đang bị Ai Cập truy nã.

    Tuy nhiên, Jennings cho rằng Doha cũng có thể sẽ bảo vệ mối quan hệ với Hamas và phong trào Anh em Hồi giáo của người Sunni, khiến các nước Arab, đặc biệt là người láng giềng khổng lồ Arab Saudi tức giận, gia tăng áp lực về ngoại giao và kinh tế lên Qatar.

    3 kịch bản cho cuộc khủng hoảng Qatar ảnh 2 Tương quan sức mạnh quân sự Qatar và Arab Saudi. Bấm vào ảnh để xem chi tiết.

    Trong bối cảnh đó, các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng tình hình để thực hiện một vụ đánh bom đẫm máu ở đâu đó tại vùng Vịnh. Khi một vụ tấn công gây nhiều thương vong cho dân thường như vậy diễn ra, mọi mũi dùi sẽ chĩa vào Qatar và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.

    Qatar là đất nước có nguồn lực tài chính rất mạnh nhưng lại không sở hữu lực lượng quốc phòng có tính răn đe cao, chủ yếu là do thiếu nhân lực. Tổng số binh sĩ của hải, lục, không quân Qatar chưa bằng một sư đoàn chính quy của quân đội Arab Saudi. Đây có thể là động lực để Arab Saudi thành lập một liên minh quân sự ở vùng Vịnh để phát động tấn công vào Qatar.

    Tuy nhiên, giới phân tích quân sự chỉ ra rằng khả năng này là vô cùng thấp, bởi Qatar đang thực hiện chiến lược quốc phòng dựa nhiều vào quân đội nước ngoài đồn trú. Căn cứ al-Udeid gần thủ đô Doha của nước này là nơi Mỹ triển khai sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Trung tâm (CENTCOM) cùng hơn 1.000 binh sĩ và nhiều máy bay hiện đại. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một căn cứ tại Qatar và sẵn sàng triển khai thêm binh sĩ tới đây vào bất cứ lúc nào cần thiết.

    Trong khi đó, Arab Saudi đang dẫn đầu liên minh các nước Arab chống phiến quân Houthi ở Yemen trong cuộc chiến hao người tốn của. Dù có tiềm lực quân sự mạnh rất nhiều lần so với Qatar, Arab Saudi khó có thể cùng lúc phát động chiến tranh trên hai trận tuyến.

    Thỏa thuận

    Theo Cafiero, khi cuộc khủng hoảng Qatar kéo dài, nền kinh tế, thương mại của thế giới và vùng Vịnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, buộc các quốc gia trung lập như Kuwait và Oman, thậm chí là Mỹ, phải vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra giải pháp.

    Giải quyết tình trạng đối đầu bằng biện pháp ngoại giao được coi là biện pháp khả dĩ nhất cho vùng Vịnh hiện nay. Ngoại trưởng Tillerson cuối tuần trước cũng mở ra hướng đi này, khi nói rằng hội nghị Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ là cơ hội để 6 nước, trong đó có Qatar, tìm giải pháp cho những bất đồng và hạ nhiệt căng thẳng.

    Ameer Ali, giảng viên Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Murdoch ở Australia, cho rằng giải pháp ngoại giao sẽ đạt được khi cả hai bên có những động thái "có đi có lại". Trong khi Arab Saudi và các nước Arab chấm dứt tình trạng cô lập Qatar, Doha cũng sẽ phải đáp lễ bằng việc trục xuất những phần tử cực đoan ra khỏi đất nước.

    "Căn cứ quân sự ở Qatar có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo. Đó là lý do Mỹ phải nhanh chóng tìm giải pháp cho vấn đề Qatar", Ali nhấn mạnh.

    Islam Hassan, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Khu vực thuộc Đại học Georgetown, cho rằng Kuwait và Oman sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình tìm giải pháp đối thoại cho các bên.

    "Trong vài năm qua, vua Sabah al-Sabah của Kuwait đã thành công trong vai trò trung gian hòa giải giữa các nước GCC và tất cả các bên đều coi ông là một nhà đàm phán trung lập có năng lực. Chúng ta sẽ thấy ông thể hiện vai trò rất quan trọng trong vài ngày tới để giải quyết khủng hoảng", Hassan nhận định.

    Theo Vnexpress
    Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
    Tảng băng lớn nhất thế giới thoát khỏi Nam Cực
    (Ngày Nay) - Các hình ảnh vệ tinh mới nhất từ Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tảng băng khổng lồ A-23A - hiện là tảng băng lớn nhất thế giới - đã thoát khỏi vòng xoáy đại dương phía bắc quần đảo Nam Orkney và đang trôi dạt về phía đông bắc, hướng tới đảo Nam Georgia, nơi nó được dự đoán sẽ tan vỡ và biến mất hoàn toàn.
    Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
    Hàng nghìn người tham dự đêm nhạc “Bài ca không quên”
    (Ngày Nay) - Tối 22/12, Hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) với nhiều cảm xúc, đưa khán giả trở về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
    Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
    Bức tranh đa sắc trong nội các của chính quyền Trump 2.0
    (Ngày Nay) -  Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gây bất ngờ với danh sách nội các mới đa dạng chưa từng có, từ cựu đảng viên Dân chủ đến các nhà tài phiệt, hé lộ một chiến lược táo bạo cho nhiệm kỳ thứ hai của ông.
    Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
    Từ năm 2025, trường học được xây cao nhất là 5 tầng
    (Ngày Nay) -  Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư mới bổ sung và điều chỉnh linh hoạt các tiêu chuẩn về diện tích đất, quy mô trường học và tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu, theo hướng phù hợp với thực tế triển khai tại các địa phương.
    Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
    Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chúc mừng Giáng sinh các tổ chức tôn giáo
    (Ngày Nay) -  Trong không khí vui tươi, ấm áp dịp Lễ Giáng sinh 2024 và đón chào năm mới 2025, chiều 22/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã đến chúc mừng tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Tổng hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
    Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
    Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
    (Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.