6 tháng có tới 100 ca ngộ độc cấp do thuốc lá điện tử

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tình trạng nhập viện do sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử gia tăng gần đây. Đa số là bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử.
Các mẫu thuốc lá điện tử với hình thức như các trò chơi, hộp sữa mà trẻ em yêu thích.
Các mẫu thuốc lá điện tử với hình thức như các trò chơi, hộp sữa mà trẻ em yêu thích.

Có những ca ngộ độc nhiều lần

Đang được điều trị tại bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc thuốc lá điện tử, nam sinh viên T.M (20 tuổi, ở Hà Nội) vẫn còn trong quá trình hồi phục.

Trước đó, sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, nam sinh viên này bỗng xuất hiện co giật, bất tỉnh; rất may gia đình đã kịp thời phát hiện và đưa đến bệnh viện gần nhà. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp co giật, tụt huyết áp, suy thận, tổn thương đa cơ quan. Kết quả chụp cho thấy bệnh nhân đã có tổn thương tim và não.

Đáng lo ngại, khi lấy mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng đi xét nghiệm cho thấy trong mẫu này có chứa cần sa tổng hợp. Trước đó, thanh niên này đã có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử từ nhiều năm. Năm 2023, bệnh nhân cũng đã từng phải nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử; tuy nhiên, sau khi được điều trị khỏi, thanh niên này vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá điện tử.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, tại Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 100 ca ngộ độc thuốc lá điện tử. Trong khi 2 năm 2022 và 2023, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận gần 130 ca nhập viện cũng với lý do này. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy”.

Theo đó, một khảo sát của Trung tâm Chống độc nghiên cứu đối với mẫu thuốc lá điện tử được 120 bệnh nhân sử dụng cho thấy, trong các mẫu này có 16 mẫu dương tính với ma túy (chiếm tỉ lệ 13,3%). Kết quả xét nghiệm độc chất trong một số bệnh phẩm gửi Viện pháp y, đã phát hiện các chất ma tuý với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4en-pinaca; EDMB-4en-pinaca; THC; PB-22.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, gần đây tình trạng nhập viện do sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới đang gia tăng. Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử đang lan rộng nhanh chóng, đa số là bệnh nhân trẻ ngộ độc cấp sau dùng thuốc lá điện tử.

Đáng lo ngại hiện nay, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản vì không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy. Hiện, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại thuốc lá mới khác là có hại cho sức khỏe. Nó mở đầu xu hướng lạm dụng, nghiện, phơi nhiễm các hóa chất tổng hợp của con người không thể kiểm soát và hàng loạt bệnh tật mới, vấn đề y tế khác. Đồng thời làm nặng, phức tạp thêm vấn đề thuốc lá thông thường, ma túy. Vì vậy, tuyệt đối không cần đánh giá, nghiên cứu hay cho dùng thử các sản phẩm này”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Dễ dàng mua bán qua mạng xã hội

Bà Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam lo ngại: “Hiện nay, các sản phẩm thuốc lá điện tử có thể dễ dàng mua qua mạng xã hội Facebook và sàn thương mại điện tử. Chúng tôi từng thử trực tiếp đặt mua thuốc lá điện tử, khi gói hàng nhận về thì chúng tôi thấy bên ngoài gói hàng ghi nhãn là “thuốc trị mụn, mỹ phẩm”. Việc này là một cách để trẻ có thể dễ dàng “qua mắt” được bố mẹ, thầy cô giáo để mua và sử dụng thuốc lá điện tử. Trong quá trình nghiên cứu, khi chúng tôi hỏi lý do sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử thì có tới 60% các em học sinh có sử dụng nói rằng từ bạn bè chia sẻ. Với một sản phẩm đơn giản chỉ khoảng 10.000 đồng thì các em có thể chia sẻ thoải mái trong lớp và dùng với giá thành vô cùng rẻ; thậm chí chỉ cần nhịn một bữa sáng là các em có thể mua được sản phẩm thuốc lá thế hệ mới”.

Đáng lo ngại, nhiều phụ huynh cũng khó có thể nhận biết được các sản phẩm là thuốc lá điện tử khi các sản phẩm này được “đánh tráo” tên gọi, bán với tên gọi khác hoặc lấy tên mặt hàng khác; cộng với hình thức các sản phẩm được thiết kế rất bắt mắt dưới dạng như: Hộp sữa, trên nhãn ghi sữa chua, kem, đồ chơi… Các sản phẩm này vô cùng dễ mua, thuận tiện và có thể tiếp cận được bất cứ lúc nào, thậm chí bày bán tại các quán nước ngay ngoài cổng trường. Đây là điều rất nguy hiểm.

“Đó là lý do chúng tôi luôn nhấn mạnh, nếu sản phẩm thuốc lá mới chỉ cấm với trẻ em dưới 18 tuổi thì đó là một sự thất bại. Bởi, tất cả các sản phẩm có ghi ở nhãn như “milk” thì đây là các sản phẩm hướng tới trẻ em. Chưa kể, các sản phẩm thuốc lá điện tử có mùi vị hấp dẫn đối với trẻ em. Rõ ràng các sản phẩm này đang nhắm tới trẻ em”, bà Nguyễn Thị An nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị An, nhìn khía cạnh kinh tế thì việc “thả” cho các sản phẩm thuốc lá mới không những không thu được lợi gì về kinh tế mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cả một thế hệ tương lai. Đặc biệt, nếu tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nữ giới tăng lên sẽ gây hại đến sức khỏe sinh sản.

Theo điều tra, năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong nhóm 13-17 tuổi là 2,6%, tỉ lệ này tăng lên 3,5% vào năm 2022 và lên 7% năm 2023. Riêng trong nhóm 13-15 tuổi, điều tra năm 2023 cho thấy, tỉ lệ sử dụng lên tới 8%, trong đó trẻ trai sử dụng nhiều hơn trẻ gái (tỉ lệ 10,5% so với 5,6%). Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Các chuyên gia cũng đề xuất, cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).
Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: THX/TTXVN
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
(Ngày Nay) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố việc cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine LC16m8 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine kịp thời tại các cộng đồng đang bùng phát dịch đậu mùa khỉ.