Theo thông tin từ VOV, vào hồi 00h15' ngày 7/8, Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tiếp nhận 9 người vào cấp cứu tại Khoa Hồi sức cấp cứu trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều, mệt nặng, da lạnh, tim nhịp nhanh đều, đau thượng vị. Ngay sau khi tiếp nhận, kíp trực đã khẩn trương thăm khám, tiến hành cấp cứu điều trị theo phác đồ.
Đến chiều ngày 7/8, cả 9 bệnh nhân đều ổn định, hết đau bụng, không nôn, ăn uống được, các chỉ số sinh tồn ổn định.
Các bệnh nhân được xác định là ngộ độc nhóm nấm độc có triệu chứng sớm, thường xuất hiện trong 3 giờ sau khi ăn phải. Loại này ít nguy hiểm nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời, đúng phác đồ có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải nặng, đe dọa tính mạng.
Được biết, trước đó, vào chiều tối ngày 6/8, hai chị em Lường Thị Tợi và Lường Thị Nhình ở bản Thái, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đi rừng lấy măng, có hái nấm về nấu canh ăn cho hai hộ gia đình ăn. Sau khoảng 2 giờ, cả 9 người ăn nấm đều đau bụng, nôn liên tục, mệt nặng, nên đã được người thân đưa đi viện.
9 bệnh nhân bị ngộ độc nấm ở Mù Cang Chải được cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Nghĩa Lộ - Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô |
Trao đổi với TTXVN, Bà Lê Thị Hồng Vân, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, cho biết, Sở Y tế tỉnh Yên Bái cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; phối hợp với các ban, ngành, chính quyền xã Cao Phạ tuyên truyền, vận động người dân sử dụng thực phẩm an toàn, không ăn nấm, rau lạ.
Sở yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh theo dõi, giám sát và hỗ trợ triển khai các hoạt động chuyên môn; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo: Hiện đang là mùa mưa nên các loài nấm độc sinh trưởng và phát triển nhanh, người dân tuyệt đối không ăn các loài nấm không biết rõ ở trên rừng vì rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm.