Trong báo cáo mới nhất, WMO nhận định: “90% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài cho đến hết mùa Đông ở Bắc bán cầu”, đồng thời cho rằng hiện tượng này có thể kéo dài đến ít nhất tháng 4/2024. Theo WMO, thế giới sẽ chứng kiến cường độ đỉnh điểm của hiện tượng El Nino trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 1/2024.
Nhận định này phù hợp với đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí hậu (CPC) của Mỹ đưa ra hồi tháng 9, trong đó cho rằng hơn 95% nguy cơ hình thái thời tiết El Nino sẽ tiếp diễn vào mùa Đông của Bán cầu Bắc từ tháng 1 – 3/2024, theo đó sẽ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
Ngoài ra, trong một thông báo, Giám đốc WMO Petteri Taalas dự báo năm 2023 sẽ là năm ấm nhất từ trước đến nay. Viễn cảnh này là do nhiệt độ bề mặt đại dương trên thế giới và nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng cao lên mức kỷ lục kể từ tháng 6/2023. WMO cảnh báo năm 2024 thậm chí sẽ là năm có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ của năm 2023.
Theo ông Taalas, những hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng, mưa lớn và lũ lụt sẽ diễn ra tại một số khu vực trên thế giới với quy mô ngày càng mạnh mẽ, kèm theo những tác động đáng kể. Theo đó, ông khuyến cáo các nước cần triển khai và đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của hệ thống cảnh báo thiên tai.
Xảy ra một cách tự nhiên trong mỗi 2 đến 7 năm, hiện tượng El Nino thường làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất trong năm tiếp theo sau khi hiện tượng này phát triển. WMO nhấn mạnh hiện tượng El Nino xảy ra chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu vốn đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, thế giới có thể chưa chứng kiến phần lớn tác động của El Nino cho đến năm 2024. Cho đến thời điểm này, năm 2016 được ghi nhận là năm nóng kỷ lục do ảnh hưởng của El Nino.
Giới chuyên gia cũng cảnh báo hiện tượng El Nino đe dọa đến nguồn cung gạo toàn cầu, cũng như nguồn cung nhiều mặt hàng khác như cà phê, dầu cọ, đường, lúa mì và chocolate từ Đông Nam Á, Australia và châu Phi.