Ăn ngủ không yên vì lo nhà sập

Những cơn mưa liên tục đổ xuống khiến hàng chục hộ dân ven quốc lộ 1 lo sợ cho tính mạng và tài sản của mình.
 
Ăn ngủ không yên vì lo nhà sập

Hàng chục hộ dân sống ven quốc lộ 1 thuộc tổ 21, ấp Thái Hòa, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) những ngày qua đang phải chống chọi với tình trạng đất sạt lở nghiêm trọng, gây nguy hại đến căn nhà họ đang sinh sống. Hiện đã có hai căn nhà bị sập và địa phương vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Sống trong sợ hãi

Theo quan sát của PV, khu vực này có độ dốc cao nên khi mưa xuống đất bị xói lở nặng theo dòng chảy. Hàng chục cây xanh lớn nhỏ bị gãy đổ do mưa gió nằm ngổn ngang, vùi lấp trong bùn đất. Đáng nói, khu vực sạt lở đã sát phần móng nhiều ngôi nhà cao tầng ở phía trên.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, một người dân, cho biết: “Mỗi khi trời mưa, gia đình tôi lại ngủ không yên giấc, thấp thỏm lo lắng. Cứ nghe tiếng động mạnh là cả nhà phải bật dậy hết vì lo nhà sập”.

Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Đình Tùng cho biết tình trạng sạt lở diễn ra khoảng một tháng nay. Ban đầu đất chỉ xói lở một ít nhưng nay đã có hàng trăm mét vuông đất bị sạt lở, ăn sâu vào móng nhà. Bất cứ lúc nào căn nhà của ông cũng có thể bị trôi xuống vực.

Theo lời người dân, nguyên nhân sự việc là do mưa lớn, nước từ cống ngang quốc lộ 1 (đoạn qua tổ 21) đổ về cuồn cuộn, xả ra phần đất của người dân. Trong khi độ chênh từ mặt đường đến đáy dòng chảy cao đến 20 m đã gây sạt lở đất ở khu vực hạ lưu cống. Mỗi khi mưa lớn, nước từ các hướng đổ về đây, mọi người tìm cách ngăn sạt lở nhưng vô ích. Tình trạng này đang đe dọa sự an toàn của hơn 10 hộ dân, khu vực bị ảnh hưởng đều là những căn nhà kiên cố 1-3 lầu nằm dọc quốc lộ 1.

Ăn ngủ không yên vì lo nhà sập ảnh 1 Nhiều nhà dân đang ở trong tình trạng nguy hiểm khi đất dưới móng nhà ngày càng sạt lở nhiều hơn.

Vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Thao, Chủ tịch UBND xã Hố Nai 3, cho biết sau khi nghe xã báo cáo tình hình, UBND huyện Trảng Bom đã giao Phòng Quản lý đô thị huyện phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu cho huyện biện pháp xử lý, khắc phục.

Ông Phan Duy Nghĩa, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện, đã chỉ đạo đơn vị kiểm tra thực trạng, thông báo và phối hợp với Chi cục Quản lý đường bộ IV.2 (Chi cục - đơn vị quản lý công trình cống thoát nước quốc lộ 1 gây xói lở) đến hiện trường khảo sát. “Chúng tôi xác định phía hạ lưu một đoạn cống ngang qua tổ 21 bị sạt lở. Để khắc phục, phòng đề nghị Chi cục xây dựng thêm khoảng 50 m mương dẫn dòng nối từ miệng cống ngang xuống vùng hạ lưu để hạn chế tình trạng xói lở” - ông Nghĩa nói.

Trả lời cho PV, ông Lê Huy Triển, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.2, cho biết bước đầu Chi cục đã xác định do độ chênh từ mặt đường xuống dòng chảy khoảng 20 m, cộng thêm trong mùa mưa nên lượng nước đổ về cống ngang nhiều, độ dốc lớn khiến đất càng xói lở mạnh, nguy cơ sập nhà dân là có thật.

“Tình trạng xói lở diễn ra phức tạp nên chúng tôi đã đề xuất lên Cục Quản lý đường bộ IV hướng xử lý khắc phục sạt lở là làm kè rọ đá nối tiếp từ mương dẫn dòng hiện hữu về phía hạ lưu. Hôm nay, tôi sẽ làm việc với cục rồi làm việc với địa phương để có hướng xử lý nhanh nhất cho người dân ổn định cuộc sống” - ông Triển khẳng định.

 Hiện trạng các căn nhà theo ghi nhận của PV là rất nghiêm trọng. Đất bị nước cuốn trôi, sạt lở từng mảng lớn khiến móng một số căn nhà lún hẳn xuống. Trong khoảng 10 căn có hai căn đã hư hỏng nặng, đổ sập gần như hoàn toàn, chỉ còn lại mảng tường phía trước cửa. Ba căn khác đang có hiện tượng tường nứt toác nhiều chỗ, nghiêng theo sự lún của đất. Những căn còn lại đều bị nứt, lún nhiều chỗ, không đảm bảo an toàn nếu tình trạng kéo dài. 

Theo Pháp Luật TP.HCM

Bình luận
Học sinh lớp 12 "chạy đua" với kỳ thi đánh giá năng lực
Học sinh lớp 12 "chạy đua" với kỳ thi đánh giá năng lực
(Ngày Nay) - Thời điểm này cùng với ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều sĩ tử lớp 12 ở Nghệ An đang nỗ lực ôn tập để chuẩn bị cho các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, để giành được một suất dự thi kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đối với các em cũng không hề dễ dàng.
Từ di sản đến thị trường: Bước chuyển mình của âm nhạc Caribe
Từ di sản đến thị trường: Bước chuyển mình của âm nhạc Caribe
(Ngày Nay) - Caribe nổi tiếng với di sản âm nhạc giàu bản sắc và sôi động. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một khoảng cách lớn giữa việc tôn vinh di sản này và khả năng thương mại hóa hiệu quả trong ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu. Nhận ra sự thiếu kết nối này, ông Farley Joseph – với 15 năm kinh nghiệm trong giáo dục âm nhạc – đã khởi xướng một sứ mệnh nhằm thu hẹp khoảng cách đó.
Khám phá di sản văn hóa Sasak 600 năm tuổi ở đảo Lombok
Khám phá di sản văn hóa Sasak 600 năm tuổi ở đảo Lombok
(Ngày Nay) - Nép mình giữa những ngọn đồi xanh mướt trên hòn đảo Lombok xinh đẹp và kỳ bí của đất nước vạn đảo Indonesia, ngôi làng Karang Bayan ở Lingsar, Tây Lombok, tỉnh Tây Nusa Tenggara, vẫn giữ được vẻ tĩnh lặng qua hàng thế kỷ.
Tác động tích cực của việc học bán trú tại Síp
Tác động tích cực của việc học bán trú tại Síp
(Ngày Nay) - Kết quả đánh giá về sáng kiến trường học cả ngày (bán trú) tại cấp trung học cơ sở đa văn hóa ở Síp cho thấy rằng việc kéo dài thời gian học với các hoạt động được thiết kế phù hợp không chỉ cải thiện thành tích học tập mà còn nâng cao phúc lợi của học sinh.
Động đất có độ lớn 7,3 tại Tonga, cảnh báo nguy cơ sóng thần
Động đất có độ lớn 7,3 tại Tonga, cảnh báo nguy cơ sóng thần
(Ngày Nay) -  Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), vào lúc 12h 18 phút theo giờ GMT (tức 19h 18 phút theo giờ Việt Nam) ngày 30/3, một trận động đất có độ lớn 7,3 đã xảy ra tại vị trí cách đảo chính của Tonga khoảng 100km về phía Đông Bắc. Chấn tiêu của trận động đất ở độ sâu 55km.