Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết cơn áp thấp lần này xuất hiện trên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Trên dải hội tụ nhiệt đới này, liên tục trong tháng 7 đã hình thành các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Theo đó, cơn bão số 3 (Sơn Tinh) vừa rồi đã di chuyển từ phía Đông vào các tỉnh Bắc Trung bộ.
Còn cơn áp thấp nhiệt đới lần này, cũng chịu tác động của vùng áp thấp do cơn bão số 3 suy yếu, nhưng tồn tại ngay trên dải hội tụ nhiệt đới nói trên.
Nói về đường di chuyển của cơn áp thấp nhiệt đới, ông Năng cho rằng, hướng di chuyển phức tạp. Bởi, lúc đâu nó hình thành từ vùng áp thấp di chuyển từ Tây sang Đông trên đất liền miền Bắc, sau đó đi vào vịnh Bắc bộ và mạnh lên thành áp tháp thấp nhiệt đới.
Theo ông Năng, hiện áp thấp nhiệt đới này dã suy yếu thành vùng áp thấp sau khi đi vào bản đảo Lôi Châu (Trung Quốc).
“Chúng tôi nhận định, do khối áp cao cận nhiệt đới, cùng với gió Đông Nam mạnh đã đẩy vùng áp thấp này về phía Tây, làm cho áp thấp nhiệt đới này dịch chuyển chạy dọc theo các tỉnh biên giới nước ta, từ Cao Bằng đến Lai Châu”- ông Năng nói.
Nói về kiểu đi theo vòng khá kỳ lạ của cơn áp thấp nhiệt đới trên, ông Năng cho rằng, thông thường, các cơn bão, áp thấp nhiệt đới thường di chuyển từ hướng Đông sang hướng Tây, sau đó đổ bộ vào đất liền và tan dần.
Tuy nhiên, hướng đi vòng như cơn áp thấp nhiệt đới trên, cũng từng xảy ra. Đó là cơn bão Goni năm 2009, cũng có quỹ đạo vòng một vòng bên Trung Quốc, sau đó đi xuống vịnh Bắc bộ, rồi mạnh lên đi vòng quanh đảo Hải Nam.
“Cơn áp thấp nhiệt đới lần này, hình thành từ các tỉnh Bắc bộ, sau đó đi vòng xuống vịnh Bắc bộ, qua Trung Quốc rồi quay lại các tỉnh miền núi phía Bắc”- ông Năng nói.
Lý giải điều trên, ông Năng cho rằng, nguyên nhân di chuyển như thế là là do hệ thóng xoáy thuận nằm trên nền giải hội tụ nhiệt đới, và chịu sự chi phối tác động của khí quyển trên cao, gió Tây Nam -Đông Bắc. Do đó, có hướng hướng di chuyển khó lường.
Về ảnh hưởng của vùng áp thấp do suy yếu từ áp thấp nhiệt đới trên, ông Năng cho biết, chiều nay 24/7 đã gây mưa ở vùng Móng Cái (Quảng Ninh). Trong đêm nay, có thể gây mưa to sẽ ảnh hưởng đến Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Sau đó, sẽ gây mưa rất to, với trọng tâm là các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu với 100-150 mm trong vòng 24 giờ. Trọng tâm của đợt mưa sẽ rơi vào ngày 25-26/7 tới.
Theo ông Năng, do liên tục mưa lớn những ngày qua, nhiều địa phương vẫn chưa thoát hết nước lũ. Do vậy đợt mưa này sẽ gây nên tình trạng nguy hiểm mưa chồng mưa, có thể gây tình trạng lũ quét, sạt lở đất đá, gia tăng tính chất khốc liệt hơn. Do vậy, các người dân, địa phương cần chủ động ứng phó với đợt mưa lớn tới đây.