Sau gần 3 thập kỷ vận động hành lang của Iraq, thành phố cổ Babylon thuộc nền văn minh Lưỡng Hà đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới sau cuộc bỏ phiếu hôm 5/7.
Thành phố là một khu phức hợp rộng 10 km2 nằm dọc theo con sông Euphrates, cách thủ đô Bagdad của Iraq khoảng 100 km về phía nam.
Phái đoàn Iraq tại cuộc họp đã hoan nghênh sự công nhận của UNESCO, coi đó là sự thừa nhận cho tầm quan trọng của nền văn minh Lưỡng Hà và thành phố Babylon. Việc đưa Babylon vào danh sách các di sản sẽ khuyến khích nghiên cứu và phát triển cũng như quảng bá du lịch ra thế giới.
Tuy nhiên, UNESCO không thể công nhận Babylon là Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm do vấp phải sự phản đối của Iraq. Dù vậy, UNESCO cảnh báo địa danh này đang "trong điều kiện cực kỳ dễ bị tổn thương" và cần các biện pháp bảo tồn khẩn cấp.
Babylon được xem là thành phố cổ đông dân nhất thế giới trong giai đoạn 1770-1670 TCN và có thể là thành phố đầu tiên trong lịch sử có dân số trên 200.000 người. Thành phố nổi tiếng với những khu vườn treo - một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ xưa, tháp Babel, cổng Ishtar hay những pháo đài bằng gạch bùn.
Babylon cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới
Mới đây, Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã bỏ phiếu thông qua việc đưa thành phố Babylon của Iraq vào danh sách Di sản Thế giới.
Thành phố Babylon - Ảnh: Learnodo Newtonic |
Theo Chính phủ