Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh đầu tư phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ, chú trọng vào sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nâng tầm giá trị của sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì đóng gói đẹp, bắt mắt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng. Tỉnh hỗ trợ và triển khai hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm thuộc Đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030".
Năm 2025, Bắc Giang hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, gắn với xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ. Ngoài ra, tỉnh nâng cao chất lượng Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực, đặc trưng của địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn, từ nay đến năm 2030, Bắc Giang khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, chọn tạo, phát triển ra giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, canh tác của tỉnh thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ để đăng ký bảo hộ giống cây trồng, vật nuôi mới.
Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm theo chuỗi, quan tâm gắn việc đăng ký bảo hộ với thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối giao thương và tìm kiếm thị trường tiêu thụ; áp dụng đồng bộ các giải pháp từ giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, quảng bá các sản phẩm của địa phương. Bắc Giang chú trọng tìm kiếm, nghiên cứu, đầu tư công nghệ bảo quản - chế biến cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh như vải thiều, na, quả có múi, rau các loại, khoai tây, thịt gà, thịt lợn… nhằm kéo dài thời gian tiêu thụ, đa dạng hóa và gia tăng giá trị sản phẩm.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang đã tham mưu trình UBND tỉnh ủy quyền cho UBND huyện Tân Yên thực hiện nội dung thuộc lĩnh vực sở hữu trí tuệ: đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Yên” cho sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên; xin sử dụng tên địa danh và xác nhận vào bản đồ khoanh vùng sản xuất để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Lạc Hiệp Hòa Bắc Giang” và 6 nhãn hiệu tập thể gồm: Táo ngọt Giáo Liêm, rượu men lá Tây Yên Tử, dưa hấu Yên Dũng, vải sớm Phúc Hòa, khau nhục Yên Định, tương Liên Chung.
Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh liên quan đến việc đăng ký bảo hộ các sản phẩm mới, hỗ trợ phát triển các sản phẩm đã được bảo hộ gồm: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lạc Hiệp Hòa” cho sản phẩm lạc nhân và lạc giống của huyện Hiệp Hòa; xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý “Lục Ngạn” dùng cho sản phẩm cam của huyện; quản lý và khai thác thương mại chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện; Bảo hộ, quản lý và hỗ trợ phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nhung hươu Yên Thế” của huyện Yên Thế.
Bắc Giang còn triển khai thực hiện 2 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở liên quan đến việc đăng ký bảo hộ các sản phẩm mới, nghiên cứu hỗ trợ phát triển sản phẩm đã được bảo hộ gồm: Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Khau nhục Yên Định” dùng cho sản phẩm khau nhục tại xã Yên Định, huyện Sơn Động; Dự án Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể “Tương Liên Chung” dùng cho sản phẩm tương xã Liên Chung, huyện Tân Yên. Các dự án đăng ký, tạo lập và phát triển các sản phẩm đặc sản trên của Bắc Giang đã nâng tầm giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế của mỗi đơn vị sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo được danh tiếng, uy tín của sản phẩm trên thị trường.
Ngoài ra, Bắc Ninh tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm vải thiều Bắc Giang đến thị trường các nước và khu vực như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc. Nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh như vải thiều, mỳ Chũ, rau, quả... tiếp tục được mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa./.