Bãi biển La Mã cổ đại lần đầu mở cửa đón công chúng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tin vui cho những người yêu thích lịch sử và những người hiếu kỳ: Một bãi biển La Mã cổ đại lần đầu tiên mở cửa đón công chúng kể từ khi bị phá hủy vào năm 79 sau Công nguyên bởi vụ phun trào núi lửa Vesuvius.
Bãi biển La Mã cổ đại lần đầu mở cửa đón công chúng

Bãi biển thuộc công viên khảo cổ thành phố Herculaneum, nằm ở vùng Campania phía nam nước Ý, đã mở cửa vào thứ Tư sau một dự án trùng tu kéo dài nhiều năm.

"Bãi biển cổ thuộc dự án khai quật Herculaneum đã được cải tạo bằng cách rút cạn nước và lấp đầy diện tích trước đây từng là bờ cát. Sau ba năm, giờ đây du khách được tự do tiếp cận với toàn bộ khu vực và được cung cấp kiến thức về nguyên nhân dẫn đến sự chôn vùi của thành phố", Chuẩn tướng Carabinieri Giovanni Capasso, người giám sát Đơn vị Great Pompeii cho biết.

Thành phố Herculaneum - được đặt theo tên của vị thần Hy Lạp Hercules - được cho là thuộc quyền kiểm soát của người Oscans vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên và bị quân La Mã thống trị vào năm 90 trước Công nguyên. Vị trí nằm trên bờ biển phía tây nước Ý cùng khí hậu ôn hòa đã khiến thành phố trở thành nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng dành cho các gia đình quý tộc Rome.

Herculaneum nhỏ hơn nhiều (cả về dân số lẫn diện tích) so với thành phố Pompeii cách đó khoảng 16 km về phía nam - vốn cũng bị nhấn chìm trong vụ phun trào núi lửa Vesuvius. Tuy nhiên, chính những đám mây tro bụi và đá núi lửa đã giúp bảo tồn hai địa danh bị chôn vùi này trong nhiều thế kỷ.

Herculaneum bị vùi sâu dưới lớp tro khoảng 50 mét cho đến khi được tình cờ phát hiện vào năm 1709 bởi một công nhân khi đang khoan giếng cho một tu viện.

Một loạt các cuộc khai quật được tiến hành tại địa điểm này trong thế kỷ 18 và 19 đã phát hiện ra nhiều công trình kiến trúc cùng tác phẩm nghệ thuật trang trí công phu, các cuộn giấy cói ghi chép và vô số hiện vật khác.

Nhưng tại thời điểm đó các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít hài cốt người ở Herculaneum, không giống như những thi thể được bảo quản nguyên vẹn ở Pompeii. Điều này khiến họ tin rằng hầu hết cư dân thành phố đã có thể thoát khỏi thảm họa núi lửa và di chuyển tới Napoli.

Tuy nhiên, những cuộc khai quật tiếp theo vào những năm 1980 và 1990 đã phát hiện ra thi thể của hơn 300 người trong các nhà thuyền bằng đá gần bãi biển.

Các nhà nghiên cứu tin rằng họ đã qua đời do mức nhiệt độ thiêu đốt sau vụ phun trào, trong khi đang chờ được giải cứu bởi Gaius Plinius Secundus (Pliny cha) - một chính khách La Mã đã tử nạn khi cố gắng cứu dân thường bằng thuyền. Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy sức nóng từ vụ phun trào dữ dội đến mức đã biến não của một nạn nhân thành thủy tinh.

Những hài cốt của người được tìm thấy hiện đang nắm giữ manh mối giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ thêm về cuộc sống của cư dân Herculaneum.

Trong số đó là một bộ hài cốt nổi tiếng được đặt tên là "Quý bà đeo nhẫn" vì trên ngón tay của bà có đeo những chiếc nhẫn gắn đá ngọc lục bảo và hồng ngọc lấp lánh. Một thi hài khác được phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1980 gần tàn tích của một chiếc thuyền, được cho là của một người lính La Mã cấp cao được cử đi thực hiện nhiệm vụ giải cứu, dựa trên thắt lưng và vũ khí của anh ta.

Và trong dự án khai quật gần đây nhất vào năm 2021, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra hài cốt và đồ dùng cá nhân của một người đàn ông mà họ gọi là “người trốn thoát cuối cùng”. Các chuyên gia cho biết, những mảnh xương có màu đen và đỏ (do dính máu) của một người đàn ông khoảng 40 - 45 tuổi được tìm thấy chỉ cách bờ biển vài bước chân.

Thi thể được tìm thấy khi đang ôm chặt một chiếc túi, bên trong là một hộp gỗ đựng một chiếc nhẫn làm bằng sắt hoặc đồng.

“Có thể ông ấy đã cố chạy trốn cùng với tài sản của mình”, nhà bảo tồn Nunzia Laino chia sẻ với The Guardian vào thời điểm đó.

Những ngôi nhà thuyền với lối vào hình vòm và bản sao của các bộ hài cốt vẫn còn được nhìn thấy trên bãi biển.

Trong một thông cáo báo chí, giám đốc công viên khảo cổ Francesco Sirano cho biết công việc bảo tồn nhằm giảm nguy cơ thiệt hại từ lũ lụt, khôi phục trạng thái ban đầu của di tích và xây dựng bờ cát để “mọi người có thể tiếp tục đi lại trên bãi biển”.

Ông nói thêm: “Khi hướng tầm mắt về nơi từng là bờ biển, chúng ta như biến thành những nhà thám hiểm hiện đại đang chiêm ngưỡng phạm vi khổng lồ của dòng dung nham đã từng nhấn chìm thành phố chỉ trong vài giờ. Và chúng ta không thể không cảm nhận được mức độ hủy diệt hoàn toàn dấu tích của con người khi đối mặt với bằng chứng về thảm họa năm 79 sau Công Nguyên."

Khu vực bãi biển là một trong nhiều địa điểm du khách có thể khám phá tại Herculaneum. Các điểm tham quan nổi tiếng khác mở cửa cho công chúng bao gồm khu nhà tắm được bảo tồn gần như nguyên vẹn, nhà hát dưới lòng đất và những dinh thự sang trọng với nhiều bức tranh chạm khắc tinh xảo.

Theo NPR
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi
(Ngày Nay) - Ngày 28/9, Hội Người cao tuổi Việt Nam và tỉnh Hải Dương đã phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam Lê Thành Long.
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
Tăng tốc chuyển đổi các thuê bao 2G cuối cùng trước ngày tắt sóng
(Ngày Nay) - Từ đầu năm 2024 đến nay, Viettel đã hỗ trợ chuyển đổi hơn 8 triệu thuê bao lên thiết bị 4G trên cả nước. Hiện tại, trên toàn mạng Viettel còn khoảng 500.000 thuê bao sử dụng máy 2G. Dự kiến, Viettel sẽ hoàn thành xong việc chuyển đổi cho số lượng khách hàng này trước ngày 15/10 – thời điểm tắt sóng 2G.