Có niên đại từ Kỷ Phấn trắng, hóa thạch cho thấy loài động vật có vú bốn chân Repenomamus robustus, với kích thước bằng một con mèo nhà, đang quấn lấy một cá thể khủng long hai chân có mỏ Psittacosaurus lujiatunensis to bằng một con chó cỡ trung bình.
Các nhà khoa học nghi ngờ cả hai bất ngờ bị nhấn chìm trong bùn núi lửa và bị chôn sống trong trận chiến sinh tồn.
Nhà cổ sinh vật học Jordan Mallon thuộc Bảo tàng Tự nhiên Canada cho biết: “Khủng long gần như luôn to hơn các loài động vật có vú cùng thời, vì vậy quan niệm thông thường cho rằng những con khủng long lớn hơn luôn ăn thịt những động vật có vú nhỏ hơn”.
Bức vẽ phác thảo dựa trên mẫu hóa thạch được tìm thấy tại Liêu Ninh, Trung Quốc. |
"Ở đây, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc một loài động vật có vú nhỏ hơn đang săn mồi một con khủng long lớn hơn, đó là điều mà chúng tôi không thể đoán ra nếu không có hóa thạch này", ông Mallon nói thêm.
Hầu hết các loài động vật có vú trong thời đại Trung sinh, thời đại của khủng long, nằm ở cuối chuỗi thức ăn. Nhưng hóa thạch của loài Repenomamus cho thấy ít nhất một số động vật có vú đã cố gắng đảo ngược tình thế.
"Tôi nghĩ mấu chốt ở đây là chuỗi thức ăn của kỷ Đại Trung Sinh phức tạp hơn những gì chúng ta tưởng tượng", ông Mallon nói.
Khu vực tỉnh Liêu Ninh, nơi tìm thấy hóa thạch, sở hữu nhiều hóa thạch động vật bị chôn vùi trong các vụ phun trào núi lửa.
Cụ thể, hóa thạch Repenomamus được tìm thấy đang nằm trên một con Psittacosaurus, ngoạm chặt hàm và chân sau trong khi cắn vào lồng ngực con khủng long. Con Repenomamus chỉ dài 47 cm, trong khi Psittacosaurus dài 120 cm. Cả hai đều được cho là chưa trưởng thành hoàn toàn.
"Đã có những mẫu vật của khủng long ăn thịt săn khủng long ăn thực vật trước đây, nhưng chưa từng có ví dụ nào về việc động vật có vú săn khủng long", nhà cổ sinh vật học và đồng tác giả nghiên cứu Xiao-chun Wu cho biết.
Rất hiếm khi tìm thấy hóa thạch cho thấy động vật tương tác với nhau. Một hóa thạch khác được tìm thấy vào những năm 1970 ở Mông Cổ cho thấy hai loài khủng long - loài ăn thịt Velociraptor và loài ăn thực vật Protoceratops - chiến đấu cách đây khoảng 80 triệu năm trước khi bị chôn sống.
Các nhà nghiên cứu đã bác bỏ ý kiến cho rằng hóa thạch Repenomamus và Psittacosaurus cho thấy một loài động vật có vú chỉ đơn thuần là là loài ăn xác.
“Đầu tiên, loài có vú ở trên đầu cá thể khủng long như thể nó đang cố gắng khuất phục con mồi, điều mà giả thuyết ăn xác thối không tính đến”, ông Mallon chỉ ra. "Thứ hai, không có vết cắn nào trên xương của con khủng long, dấu hiệu tiếp xúc với động vật ăn xác thối. Cuối cùng, chân sau của loài có vú bị mắc kẹt bởi chân sau gập lại của khủng long , điều này khó có thể xảy ra nếu con khủng long đã chết khi động vật có vú đi ngang qua nó".
Trong khi Psittacosaurus là họ hàng đầu tiên của dòng dõi khủng long có sừng, nó không có sừng trên mặt và đỉnh đầu. Nó sở hữu một cái mỏ giống như con vẹt để cắt thực vật.
Repenomamus, một trong những động vật có vú lớn nhất trong thời đại khủng long, có các chi ngắn và dài, đuôi dài, cơ thể uốn lượn, hộp sọ chắc khỏe và hàm răng sắc nhọn. Mallon đã so sánh ngoại hình của nó với loài lửng chồn.
Đã có bằng chứng trước đây về thói quen ăn khủng long của Repenomamus. Một hóa thạch Repenomamus từ cùng khu vực có xương Psittacosaurus con trong bụng.
"Điều độc đáo về hóa thạch của chúng tôi là nó chứng minh rằng Repenomamus có khả năng xử lý con mồi khủng long lớn hơn", ông Mallon nói.