Trong tháng 6 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra hai vụ ngộ độc thực phẩm nặng khiến 5 người nguy kịch, phải nhập viện cấp cứu.
Vụ ngộ độc đầu tiên xảy ra chiều 10/6. 3 cha con trong một gia đình là anh Y’Tuông Ksor (26 tuổi, trú ở buôn Dhung, xã Ea Mdroh), 2 bé Y’Hai Niê Hra (6 tuổi) và H’Bom Niê Hra (3 tuổi) đã phải nhập viện sau khi bắt cóc về làm thịt ăn.
Vụ việc thứ hai xảy ra ngày 12/6/2021, khi một gia đình gồm 6 người tại xã Ea Hiao (huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk) nấu cháo ngô trộn với nấm rừng. Sau khi ăn xong, cả 6 người đều có triệu chứng bị ngộ độc thực phẩm, mệt mỏi, buồn nôn, trong đó 2 người tiến triển nặng phải nhập viện.
Nấm độc tán trắng, một loại nấm có độc tính cao thường bị nhầm lẫn với nấm lành. |
Theo bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, cả nấm độc mọc hoang trong rừng và thịt cóc đều là những thực phẩm có độc tố rất mạnh, có thể gây tử vong cho người ăn nếu không được chữa trị kịp thời. Người dân cần tuyệt đối tránh sử dụng hai loại thực phẩm này nếu không muốn gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Vào đầu mùa mưa các loại nấm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sinh sôi nhiều, mà người dân thì chưa đủ kiến thức để phân biệt được nấm lành với nấm độc. Có những loại nấm, sâu bọ ăn được nhưng vẫn có thể gây độc cho người. Hầu hết nấm độc gây chết người có tác dụng chậm, từ 12 đến 24 giờ sau khi ăn mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên, gây khó khăn trong cứu chữa; triệu chứng ngộ độc càng xuất hiện muộn thì càng khó điều trị và nguy cơ tử vong cao.
Bà Lê Thị Châu cũng cho biết, những năm trước đây, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận các vụ ngộ độc thịt cóc và có một số trường hợp tử vong do ngộ độc nặng. Vì vậy, người dân không nên ăn thịt cóc và sản phẩm tự chế biến từ cóc. Đặc biệt, phụ huynh không nên cho con ăn thịt cóc với mong muốn chữa bệnh còi xương hay chán ăn mà thay vào đó là dùng các loại thực phẩm khác để đảm bảo tính an toàn.