Tờ Global News của Canada ngày 5/9 dẫn kết quả nghiên cứu mới nhất cho biết sự gia tăng các ca ung thư trên toàn cầu ở những người dưới 50 tuổi đã làm dấy lên mối lo ngại khẩn cấp về bối cảnh đang thay đổi của căn bệnh này ở những người trẻ tuổi.
Nghiên cứu này được công bố cùng ngày trên tạp chí BMJ Oncology cho thấy vào năm 2019, số ca mắc bệnh ung thư khởi phát sớm (ca mắc ung thư từ 15 đến 49 tuổi) là 3,26 triệu, tăng 79,1% so với năm 1990. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư khởi phát sớm cao nhất vào năm 2019 là ở Bắc Mỹ, châu Úc và Tây Âu.
Theo kết quả nghiên cứu, trong khi ung thư vú chiếm số ca mắc cao nhất ở nhóm tuổi này thì ung thư khí quản (vòm họng) và ung thư tuyến tiền liệt là các bệnh ung thư có số ca mắc tăng nhanh nhất kể từ năm 1990.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện vào năm 2019, bệnh ung thư đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người dưới 50 tuổi trên toàn cầu, tăng gần 28% so với năm 1990. Tỷ lệ tử vong tăng mạnh nhất được ghi nhận ở những người đang chiến đấu với bệnh ung thư thận và buồng trứng còn các trường hợp ung thư mới có tỷ lệ tử vong cao nhất ở người trẻ tuổi là ung thư vú, ung thư khí quản, ung thư phổi, ung thư ruột và ung thư dạ dày.
Tiến sĩ Ashleigh Hamilton, giảng viên lâm sàng tại Trung tâm Y tế công, Đại học Queen's Belfast, Vương quốc Anh cho biết: “Các bệnh ung thư trước đây được coi là phổ biến ở các nhóm tuổi lớn hơn hiện đang được chẩn đoán ở những người trẻ tuổi hơn, bao gồm ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư tuyến tụy, cùng những bệnh khác”.
Do đó, theo Tiến sĩ Ashleigh Hamilton, điều quan trọng là phải giáo dục cả cộng đồng lẫn các chuyên gia chăm sóc sức khỏe về khả năng mắc một số bệnh ung thư ở người trẻ tuổi để cho phép chẩn đoán sớm hơn, từ đó cải thiện kết quả.
Về nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng nhanh chóng về số ca mắc ung thư ở người trẻ tuổi, các nhà nghiên cứu cho biết trong khi di truyền có thể góp phần vào sự gia tăng này thì hút thuốc, uống rượu và chế độ ăn nhiều thịt, muối nhưng ít trái cây và sữa là "những yếu tố nguy cơ chính".
Cân nặng quá mức, hoạt động thể chất thấp và lượng đường trong máu cao cũng được cho là góp phần gây ra tình trạng này.
Để tìm ra kết quả nêu trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Chương trình Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2019 đối với 29 loại bệnh ung thư ở 204 quốc gia và khu vực.
Sau đó, các nhà nghiên cứu xem xét các trường hợp ung thư mới, trường hợp tử vong, hậu quả sức khỏe và các yếu tố nguy cơ đối với những người từ 14 đến 49 tuổi để ước tính phần trăm thay đổi hàng năm từ năm 1990 đến năm 2019.