Một ghi chép buồn ở bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - “Chi phí điều trị ung thư như một cái hố không đáy, hút cạn tiền tích lũy của gia đình, hút sang cả những khoản vay mượn của thân thích, họ hàng…. Vài trăm nghìn đồng với nhiều người có thể chẳng là gì nhưng với cô thì đó là gánh nặng”.
Bệnh viện Ung Bướu đông nghẹt bệnh nhân.
Bệnh viện Ung Bướu đông nghẹt bệnh nhân.

Bệnh nhân xuôi ngược

Tôi đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở quận Bình Thạnh) khi trời tờ mờ sáng, người dân đi khám bệnh rồng rắn xếp hàng đông không thể tưởng, gốc cây, ghế đá chật kín kẻ đứng, người ngồi… không khí vô cùng ngột ngạt. Người từ miền Trung vào, người từ Tây nguyên xuống, các tỉnh miền sông nước đi lên… giọng nói mỗi nơi mỗi khác song ánh mắt ai cũng ẩn hiện nét đượm buồn cùng nỗi âu lo nén chặt trong tiếng thở dài!

Chị Nguyên, khởi hành từ Trà Vinh vào đêm hôm trước, đến bệnh viện lúc 3 giờ sáng, vội vã xếp hàng để chờ đến lượt. Đôi mắt trĩu nặng, trũng sâu vì cả đêm đi xe không ngủ được, chị ngao ngán kể về hoàn cảnh bản thân. Hai vợ chồng quanh quẩn làm ruộng nuôi các con ăn học, đồng ra đồng vô tính bằng bạc cắt giờ phát hiện thêm khối u trong người nên khó khăn lại chồng chất khó khăn, chưa đoán định được bệnh tình tới đây sẽ như thế nào nhưng trước mắt đã mất đi gần 1,5 triệu đồng viện phí.

“Việc ở nhà không ai lo, tụi nhỏ chuẩn bị vô năm học mới nên bao nhiêu thứ phải sắm sửa, nào sách vở, nào quần áo rồi cả học phí nữa. Giờ chị phải về quê, cố gắng gom góp lo cho các con trước rồi mới tính được chuyện tái khám lần sau. Còn nếu như đến hẹn mà chưa đủ tiền thì phải vay mượn hàng xóm, chứ biết làm sao bây giờ?! Vợ chồng ở quê có dư dả gì đâu...”, chị bỏ lửng câu chuyện.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cô Lan dù đã lớn tuổi vẫn một thân một mình lặn lội từ Bà Rịa – Vũng Tàu lên TP.HCM thăm khám. Nhiều năm qua, cô đã quen với việc mỗi tháng đi đi về về, căn bệnh ung thư vòm họng như vắt kiệt sức lực tài lực, cô nhịn ăn nhịn mặc, tiết kiệt hết mức có thể để “chiến đấu” với căn bệnh quái ác này.

“Chi phí điều trị ung thư như một cái hố không đáy, hút cạn tiền tích lũy của gia đình, hút sang cả những khoản vay mượn của thân thích, họ hàng. Dù có BHYT, cô vẫn phải chi trả 30%. Với ba lần siêu âm với giá 43 nghìn đồng, hai lần chụp CT với giá 800 nghìn đồng, cô phải bỏ tiền túi 520 nghìn đồng ra để khám… Vài trăm nghìn đồng với nhiều người có thể chẳng là gì nhưng với cô thì đó là gánh nặng”, giọng cô ngắt quãng.

Một ghi chép buồn ở bệnh viện ảnh 1

Ai cũng nhiều nỗi niềm.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi tiếng khóc của người đàn bà bên cạnh, tiếng khóc đau đớn, xót xa. Chị Nguyễn Thị Hường từ Sóc Trăng lên tái khám, lần khám trước kết quả chị bị khối u ở tim, khi về báo tin với gia đình thì người chồng đầu ấp tay gối sống với nhau có bốn mặt con đành ruồng rẫy rồi trả mấy mẹ con chị về nhà mẹ đẻ với lý do “ung thư tim là bệnh nhà giàu, cố cũng không chữa được’.

Ngày chị cùng bốn đứa con nhỏ khăn gói dắt díu nhau về ngoại, cha mẹ chị chạy ra ôm con mà oà khóc xót thương cho phận đời mười hai bến nước! Từng là một cô gái xinh đẹp, khoẻ mạnh, là đứa con ngoan, ấy vậy mà cuộc đời đã đưa đẩy chị đến nước này thì cũng là tận cùng bi kịch.

Gánh nặng viện phí

Tăng giá dịch vụ y tế thật sự là gánh nặng kinh tế không hề nhỏ cho tất cả bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y. Nhiều gia đình đã rơi vào cảnh khánh kiệt, vay mượn khắp nơi, thậm chí phải bán đất đai, tài sản để nuôi hy vọng sống. Để giảm áp lực chi trả viện phí, nhiều người bệnh nghĩ đến việc mua bảo hiểm y tế.

Chị Phan Thị Kim Phượng (quê Tây Ninh) nhẩm tính số tiền điều trị cho căn bệnh cường giáp cũng sẽ tăng lên đáng kể. Chồng và 3 đứa nhỏ sắp đến kỳ phải mua BHYT mới, dù dự tính không mua nữa vì bao nhiêu tiền đã dồn hết cho chị chữa bệnh nhưng trước tin viện phí sắp tới lại tăng chị một lần nữa đắn đo: “Nhưng dù khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng mua bảo hiểm cho con”.

Một ghi chép buồn ở bệnh viện ảnh 2

"Nhưng dù khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng mua bảo hiểm cho con", chị Phượng nói.

Còn với ông Nguyễn Văn Sơn (Đồng Nai), dù được BHYT chi trả 80% mức hưởng trong quá trình điều trị ung thư nhưng 8 tháng qua, ông đã tốn cả trăm triệu đồng để hóa trị và bác sĩ tiếp tục chỉ định thêm 5 đợt hóa trị nữa. “Giá viện phí tăng cao như vậy, không biết lấy tiền đâu để chữa bệnh tiếp đây”, ông Sơn bất lực nhìn vào cuốn sổ điều trị trên tay.

Không được như ông Sơn, chị Phượng, nhiều bệnh nhân khác không mua được thẻ bảo hiểm đều thất thần khi biết viện phí sắp tăng, nhất là những bệnh nhân đang nằm điều trị dài ngày mà chưa có thẻ BHYT. Sắp tới đây, rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao, món đồ nào, cân lúa nào trong nhà sẽ phải bán đi cho những chuyến đi viện tiếp theo, vẫn chưa ai biết.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh viện tại TP.HCM vẫn giữ nguyên giá khám chữa bệnh dịch vụ. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức), cho biết chưa điều chỉnh tăng giá vì cần đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tiện ích phục vụ bệnh nhân. Sau đại dịch Covid-19, kinh tế vẫn còn khó khăn nên có lẽ khoảng 6 tháng hay một năm nữa mới xem xét chuyện điều chỉnh.


Bệnh viện Chợ Rẫy chủ trương hạn chế giường dịch vụ vì lượng bệnh nhân khó khăn từ các tỉnh đến viện rất đông, chưa đủ cơ sở vật chất phục vụ nhiều bệnh nhân có điều kiện. Từ ngày 16/8, nơi này áp dụng giá giường dịch vụ theo mức tối đa Bộ Y tế quy định dành cho bệnh viện hạng đặc biệt. Bệnh viện đang xây dựng giá cụ thể, điều chỉnh phù hợp hơn để áp dụng trong thời gian tới.


Khung giá mới được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT về khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, có hiệu lực từ ngày 15/8. Cụ thể, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, có giá tối thiểu 100.000 đồng và tối đa 500.000 đồng/lượt. Cơ sở khám, chữa bệnh khác, tối thiểu 30.500 đồng và tối đa 300.000 đồng/lượt. Trường hợp mời bác sĩ trong hoặc ngoài nước đến khám, tư vấn, giá sẽ theo thỏa thuận giữa cơ sở khám chữa bệnh và người sử dụng dịch vụ.


Giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) đối với loại phòng một giường giá tối đa 4 triệu đồng một ngày đêm; ba triệu đồng một giường cho loại phòng đôi; 2,4 triệu đồng một giường loại phòng ba.


Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% thì với tỷ lệ tăng bình quân giá khám - chữa bệnh khi điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là 5%.

Bình luận
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.