Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lúc 16 giờ ngày 16-8, tâm bão số 4 ở cách Nam Định 130 km, cách Thanh Hóa 170 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.
Sau đó bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Từ đêm 16-8, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ chiều nay (17-8), áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Thượng Lào với sức gió mạnh nhất cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, sóng biển trên vịnh Bắc bộ cao 4-6 m, biển động rất mạnh. Các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Từ đêm 16 đến 18-8, ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to và sẽ xuất hiện một đợt lũ, sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Chiều tối 16-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện gửi một số địa phương, các bộ, ngành liên quan về việc ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và mưa lũ. Theo đó, khu vực chịu ảnh hưởng của bão có các hoạt động kinh tế lớn, vừa trải qua các đợt mưa lũ kéo dài, nhiều hồ chứa nhỏ đã đầy nước… Thủ tướng yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành liên quan quản lý chặt việc ra khơi của các tàu thuyền; chỉ đạo hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, triển khai các giải pháp chống ngập úng vùng trũng thấp, ngập úng đô thị; lũ quét, sạt lở đất. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thường xuyên cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 tại TP Hải Phòng. Ảnh: TTXVN |
Trong ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương… đến Thanh Hóa chỉ đạo công tác phòng, chống bão lũ. Thanh Hóa đã kêu gọi tất cả tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, sẵn sàng sơ tán hơn 15.000 người ở khu vực ven biển, nguy cơ sạt lở; lên phương án an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa và các công trình đang thi công dở dang, khu vực đang xảy ra sự cố đê điều, hồ đập… “Phải tập trung ứng phó hiệu quả với cơn bão này, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước” - Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đi kiểm tra tuyến đê xung yếu Hà Nam, chỉ đạo tỉnh triển khai công tác phòng, chống bão lũ. Bộ trưởng yêu cầu tỉnh phải tăng cường rà soát, ứng trực thường xuyên tại các điểm hồ, đập xung yếu để có giải pháp đảm bảo an toàn; di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu khu vực có biến động bất thường.
Quảng Ninh đã thông tin cho tất cả tàu thuyền về cơn bão, tạm ngưng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi. Tại Thanh Hóa, từ chiều 16-8, địa phương này xả năm cửa hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh với lưu lượng 1.000 m3/giây.
Tại Hải Phòng, từ chiều đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các quận, huyện; thủ trưởng các sở, ban, ngành TP di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, đặc biệt là các hộ dân còn ở chòi canh nuôi trồng thủy sản.
Hà Nội phát công điện khẩn yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng chuẩn bị các phương án “bốn tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) và “năm không” (không để dân đói, dân khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh và không đuối nước) để chủ động ứng phó với mưa đặc biệt lớn do bão số 4.
Theo Pháp Luật TP HCM