Càng ở nhà nhiều ngày vì cách ly, vì kinh tế khó khăn, những phụ nữ càng dễ trở thành đối tượng trút giận trong thời Covid.
Ngày Nay có buổi trò chuyện với bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình và trẻ em vị thành niên (CSAGA) về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa bà, trong bối cảnh bình thường, thì bạo lực gia đình đã là một vấn nạn. Vậy thời Covid, khi kinh tế khó khăn, giãn cách xã hội nhiều, tình trạng này đã và đang diễn biến như thế nào?
Bà Nguyễn Vân Anh: Tình hình có thêm những diễn biến rất đáng quan ngại. Ngay trong Tết vừa qua, khi tổng đài tư vấn, hỗ trợ, giải cứu những phụ nữ bị bạo hành của chúng tôi hoạt động xuyên Tết thì đã có nhiều cuộc gọi tới trong nước mắt. Đây là nhật ký của chúng tôi: 10h sáng 30 Tết, một phụ nữ ở Hà Nội gọi cầu cứu: “Em ơi cứu chị, chồng chị đánh chị suốt đêm qua, sáng nay anh ta ôm con trốn đi mất rồi, con không về làm sao chị có Tết.
9h sáng mùng 1 Tết, một bạn gái sống tại khu chung cư cao cấp ở Hà Nội gọi điện tới đường dây nóng vừa khóc vừa trình bày: “Chị ơi chồng em đánh em từ lúc giao thừa đêm qua, em đi tăng ca về muộn và có liên hoan một chút với chị em trong ca, anh ta về đón em ở hành lang chung cư và đánh luôn, sáng tỉnh dậy anh ta lại đánh tiếp. Từ ngày bùng dịch, công việc anh ta không ổn định, anh ta thường xuyên trút giận lên đầu em”.
Một nạn nhân (đề nghị không nêu tên, địa chỉ) đã tiết lộ với chúng tôi, chị phải đào cả 1 cách ngách nhỏ trong nhà để nếu có “biến” thì có thể thoát thân an toàn. Theo kinh nghiệm hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại thì Covid sẽ còn gây khó khăn cho rất nhiều phụ nữ, trẻ em Việt Nam. Có lẽ, có lẽ là khó khăn nhất từ trước tới nay.
Minh chứng rõ ràng nhất đó là, theo số liệu thống kê chính thức từ Ngôi nhà Bình Yên, trung tâm tiếp nhận những phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình và xâm hại, thuộc Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam và hotline của CSAGA đã tiếp nhận gấp đôi số lượng khách hàng so với bình thường từ khi chính quyền áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19.
Bà Nguyễn Vân Anh phát biểu tại một sự kiện về bất bình đẳng giới do CSAGA tổ chức |
PV: Bà có thể lý giải rõ hơn về nhận định này?
Bà Nguyễn Vân Anh: Covid khiến cho các cặp vợ chồng phải ở cùng nhau quá lâu, quá nhiều và trong trạng thái bức xúc của việc thiếu tiền, cộng với việc không được giao lưu, giao tiếp hạn chế thì sẽ khiến cho bạo lực gia đình có điều kiện phát tiết. Đặc biệt nếu các mối quan hệ vợ chồng là quan hệ mất cân bằng quyền lực, ví dụ chồng làm ra tiền, vợ ở nhà trông con, nội trợ thì lúc đó, người chồng càng có cớ để bùng phát các cơn giận dữ, bạo lực.
Các phụ nữ yếu thế sẽ luôn phải nín nhịn trong hoàn cảnh này. Lý do họ nín nhịn nhiều hơn là bởi cả xã hội đang cuống cuồng lo chống dịch, lo những việc quan trọng hơn, ảnh hưởng tới cả cộng đồng thì việc kêu cứu, đem chuyện gia đình ra để nhờ chính quyền, hoặc công an cũng khó khăn hơn. Và nếu ở những vùng bị giãn cách xã hội, thì việc cầu cứu, hoặc tự giải thoát sẽ là một thách thức. Phụ nữ trong những trường hợp này không thể chạy đi đâu, họ chỉ còn biết lặng im chịu đựng. Đi đến nhà người khác để tạm lánh cũng không được rồi.
PV: Nhưng chắc chắn, nếu bạo lực gia đình xảy ra ở những nước phát triển, người gây ra bạo lực sẽ bị xử lý rất mạnh tay và triệt để, còn tại Việt Nam sẽ là câu chuyện rất khác?
Bà Nguyễn Vân Anh: Đúng rồi, tại Việt Nam thì nhiều người vẫn còn quan niệm, đó là việc riêng nhà người ta, có gì họ đóng cửa bảo nhau, như vậy sẽ ổn thỏa. Hiếm có trường hợp nào hàng xóm thấy chồng đánh vợ mà gọi điện báo công an, báo chính quyền, hoặc các đoàn thể có thể hỗ trợ phụ nữ. Mà nếu có báo thì nhiều khi việc xử lý cũng không đến đầu đến đũa.
Tôi lấy ví dụ như một trường hợp tại Hà Tĩnh, có phụ nữ đã bị chồng bạo hành, gây thương tích lên tới hơn 30% nhưng không được can thiệp kịp thời, đặc biệt là vai trò của Hội phụ nữ không được thể hiện một cách tích cực và hiệu quả. Hiện nay, khi chúng tôi nhận được thông tin cầu cứu qua tổng đài, thì việc phối hợp với lực lượng công an đem lại hiệu quả nhanh nhất. Như trường hợp tôi kể ban đầu, một người chồng đánh vợ rồi ôm con bỏ đi, sau khi chúng tôi liên lạc tìm sự trợ giúp của công an huyện thì anh ta đã đem con về, làm lành với vợ.
Có một điều đặc biệt là, hiện nay bạo lực gia đình đang có xu hướng xảy ra tại các thành phố lớn, các khu đô thị, chung cư cao cấp, sang trọng nhiều hơn. Minh chứng cho nhận định này đó là có rất nhiều phụ nữ gọi điện tới tổng đài của chúng tôi đang ở các khu chung cư. Có vẻ như môi trường sống quá biệt lập cũng khiến cho tình trạng bạo hành gia tăng.
Theo kết quả điều tra quốc gia mới nhất về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019 thì có 62,9% phụ nữ đã kết hôn trong độ tuổi từ 15-64 đã từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tinh thần, tình dục hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời; trong đó 90,4% trong số họ chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ bên ngoài hay hệ thống chính quyền địa phương.
Các con số này có thể thấp hơn thực tế do những người trả lời thường ngại nói với người khác về bạo lực trong gia đình của họ do sợ hãi và xấu hổ, hoặc vẫn chịu ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu.
Những sự kiện truyền thông thay đổi nhận thức về bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em do CSAGA tổ chức thu hút khá nhiều bạn trẻ tham gia |
PV: Theo bà, cần làm gì để cải thiện tình trạng này, đặc biệt là trong khoảng thời gian khó khăn do Covid -19 gây ra?
Bà Nguyễn Vân Anh: Như tôi đã nói, tác động của cuộc khủng hoảng do COVID-19 và các biện pháp ứng phó đã làm trầm trọng thêm những thiếu sót đang tồn tại trong dịch vụ xử lý những ca bạo lực phụ nữ và trẻ em.
Vừa qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cùng các đối tác đã nhanh chóng khắc phục những thiếu sót đó, triển khai sáng kiến để đưa ra hỗ trợ khủng hoảng khẩn cấp ngắn hạn từ tháng 6/2020 đến cuối tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức xã hội dân sự trong việc tăng cường các cơ chế phòng ngừa và ứng phó quốc gia để giải quyết bạo lực phụ nữ và trẻ em.
Trong khuôn khổ dự án, CSAGA sẽ triển khai các hoạt động truyền thông trên phạm vi toàn quốc ví dụ như phát clip cảnh báo về việc sử dụng bạo lực với phụ nữ tại hơn 270 chung cư, phổ biến số hotline (024.3333.5599; 024.3352.5662) tư vấn trợ giúp phụ nữ, phát tờ rơi về vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em…đồng thời tiến hành các can thiệp hỗ trợ tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh, là những tỉnh/thành phố thuộc địa bàn của dự án.
Năm 2017, với những hoạt động nổi bật trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh được Forbes Việt Nam bình chọn Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam |
Nhưng cũng phải nói, dự án này chỉ “chạy” ngắn hạn, về lâu dài chúng ta cần làm nhiều việc hơn nữa để từng bước ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại.
Vì vậy chúng tôi mong muốn, truyền thông, xã hội quan tâm tới vấn đề này hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẵn sàng đồng hành với các tổ chức, các chương trình bảo vệ phụ nữ để có sự cộng hưởng lớn hơn.
Về mặt chính sách, Chính phủ, Nhà nước nên xem xét để đưa khóa học tiền hôn nhân như một chứng chỉ cần có trước khi kết hôn. Chúng ta phải làm từng bước một, thay đổi từng chút từng chút thật kiên trì thì mới có hy vọng cải thiện tình hình.
Ngoài ra, các đoàn thể, đặc biệt là Hội phụ nữ các địa phương cũng phải có kế hoạch hành động, trợ giúp hiệu quả hơn nữa đối với các nạn nhân. Hiện nay theo tôi nhìn nhận một cách thẳng thắn, tổ chức hội này chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình đối với hội viên.
PV: Xin trân trọng cám ơn bà!
Thực hiện: Khởi Anh