Biểu tượng mới ở Dubai
Đó là kiến trúc tòa nhà Bảo tàng Tương lai ở Dubai. Kiến trúc hình con mắt này về mặt kỹ thuật được gọi là hình torus (đường gờ tròn quanh chân cột).
Theo CNN, Bảo tàng Tương lai là tham vọng mới nhất của Dubai trong xây dựng các công trình có kiến trúc độc đáo.
Thiết kế này đã giành được nhiều giải thưởng cho dù bảo tàng mãi tới năm sau mới mở cửa.
Kế hoạch nội thất của Bảo tàng Tương lai cũng tham vọng không kém hình dạng bên ngoài.
Bảo tàng sẽ là nơi để khám phá những công nghệ và thách thức lớn nhất góp phần định hình tương lai, từ biến đổi khí hậu cho tới các đột phá y học.
Bảo tàng là sáng kiến của Tổ chức Tương lai Dubai do Quốc vương Dubai là Mohammed bin Rashid Al Maktoum dẫn đầu. Tổ chức có trách nhiệm biến Dubai thành một trung tâm sáng tạo và là nơi thử nghiệm các công nghệ mới nổi.
Trong lần đầu được giới thiệu, Bảo tàng Tương lai sẽ thực hiện một loạt chương trình tạm thời nhằm thúc đẩy vai trò công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực. Sau này, bảo tàng sẽ có các chương trình đi sâu hơn vào các chủ đề tương tự.
Giám đốc điều hành bảo tàng, ông Lath Carlson nói: “Chúng tôi không tập trung vào các thiết bị hào nhoáng, viễn tưởng. Chúng tôi muốn tập trung và các câu hỏi như: Con người có thể sống trên một trạm vũ trụ gần quỹ đạo Trái đất không? Chúng ta phản ứng ra sao khi hệ sinh thái sụp đổ? Chúng ta có thể tập trung vào sức khỏe tinh thần và thể chất của cong người trong tương lai thế nào?”
Ông Carlson cho biết ông luôn phản đối việc các bảo tàng truyền thống giữ hiện vật trong các hộp kính. Do đó, tại Bảo tàng Tương lai, ba trong số 7 tầng sẽ là nơi mà khách có thể trải nghiệm không gian ba chiều, giúp họ có cảm giác như trong nhà hát chứ không phải là một buổi triễn lãm điển hình.
Bảo tàng sẽ tập trung nhiều vào chủ đề biến đổi khí hậu, trong đó trình chiếu, hiển thị nhiều kịch bản khác nhau có thể xảy ra nếu con người không hạn chế được khí thải.
Ông Carlson nhấn mạnh bảo tàng sẽ là một ví dụ về tính bền vững. Tòa nhà được cấp giấy chứng nhận LEED dành cho các công trình xây dựng xanh. Tòa nhà lấy năng lượng từ một nhà máy năng lượng mặt trời và có thiết bị để sạc ô tô điện. Tính bền vững còn thể hiện trong các loại thức ăn được phục vụ trong nhà hàng tại bảo tàng.
“Dự án tham vọng nhất”
Ông Shaun Killa, Giám đốc công ty kiến trúc Killa Design cho biết xét yêu cầu kỹ thuật của bảo tàng thì đây là dự án tham vọng nhất mà ông từng tham gia.
Công ty Killa Design đã sử dụng công cụ mô hình tinh vi để cho ra đời một cấu trúc có các đường cong độc nhất vô nhị làm từ hàng nghìn hình tam giác thép đan xem vào nhau.
Họ đã dùng máy in 3D để sản xuất các tấm thép và sợi thủy tinh dùng làm mặt tiền cho bảo tàng.
Với các kiến trúc sư, họ đã vận dụng hết óc sáng tạo để đảm bảo mặt ngoài của bảo tàng phải tạo cảm giác trơn và không đường nối, đồng thời lại phải đảm bảo yêu cầu về bền vững môi trường.
Ông Killa cho rằng Bảo tàng Tương lai có tiềm năng trở thành một trong những biểu tượng thế giới. Những biện pháp tiên phong được sử dụng trong xây dựng bảo tàng có thể được ứng dụng rộng rãi hơn.
Ông nói: “Chúng tôi đang tìm cách tạo ra các kỹ thuật và sáng tạo mới, vượt qua giới hạn về mặt bền vững và công nghệ xây dựng. Chúng tôi đang tìm cách mới để làm những thứ mà sau này có thể là tiền lệ cho các dự án trong tương lai”.
Bảo tàng Tương lai có tầm quan trọng chiến lược đối với chính quyền tham vọng của Dubai. Phát triển văn hóa là chìa khóa trong chiến lược du lịch của Dubai, nhằm biến Dubai thành một trung tâm sáng tạo toàn cầu và là thủ đô du lịch văn hóa.
Hiện nay, ở Dubai chưa thực sự hình thành văn hóa bảo tàng. Dự án Bảo tàng Tương lai sẽ là một phần trong quá trình xây dựng nét văn hóa đó.
Chính quyền Dubai cũng coi phát triển công nghệ tân tiến là điều quan trọng trong thực hiện tham vọng và Bảo tàng Tương lai sẽ vừa là địa điểm văn hóa thu hút du khách vừa là minh chứng cho sự táo bạo về kỹ thuật.
Bảo tàng này sẽ là trung tâm của Triển lãm Dubai 2020.