Bảo tồn, kết nối di sản phát triển du lịch

(Ngày Nay) - Quan tâm gìn giữ di sản văn hóa, ứng dụng công nghệ nhằm bảo tồn, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản trên môi trường số để lưu trữ, khai thác phát triển du lịch, Long An đang tích cực xây dựng, định vị hình ảnh điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN.
Du lịch sông nước là một sản phẩm đặc trưng được ưa chuộng tại Long An. Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN.

Gìn giữ di sản

Tỉnh Long An có hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Có thể kể đến các di tích lịch sử văn hóa quốc gia như: Khu di tích Ngã tư Đức Hòa, Khu nhà ông Bộ Thỏ - nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Khu di tích Vàm Nhựt Tảo, Khu lăng mộ và đền thờ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức…

Vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long này còn có các di sản văn hóa phi vật thể nổi bật: Lễ hội Làm Chay, lễ hội Vía bà ngũ hành, đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây, tục cúng việc lề, nghề dệt chiếu lác. Tỉnh có các Bảo vật quốc gia là Tượng thần Vishnu và Bộ sưu tập hiện vật vàng Gò Xoài. Ngoài ra, Long An cùng các tỉnh, thành Nam Bộ còn có nghệ thuật đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An Nguyễn Tấn Quốc cho biết, các di sản văn hóa ở Long An đã được bảo tồn, hệ thống hóa các dữ liệu, phục vụ công tác quản lý, đồng thời là tài nguyên phát triển du lịch. Đảm bảo vừa bảo tồn, vừa khai thác các di sản văn hóa gắn phát triển kinh tế du lịch, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó ứng dụng công nghệ, đưa các thông tin liên quan đến di sản lên môi trường số là giải pháp cốt lõi. 126 di tích lịch sử, văn hóa, di chỉ khảo cổ có giá trị cao tại Long An được thống kê, bảo tồn và tổ chức giới thiệu để phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan của người dân và khách du lịch.

Cùng với đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm bảo tồn qua công tác sưu tầm, hệ thống hóa các tài liệu, mở các lớp tập huấn trong cộng đồng để lưu giữ và phát huy giá trị di sản.

Theo Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An Đỗ Thị Kim Dung, đơn vị đã xây dựng cơ sở dữ liệu số về nội dung, hình ảnh tất cả các di tích trên địa bàn và cùng với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh đưa dữ liệu số này lên trang website dulichsolongan.vn, dulichsolongan.com. Tại một số điểm di tích lịch sử văn hóa, việc ứng dụng công nghệ 3D được thể hiện trên nền tảng số với độ phân giải cao, tạo không gian sống động, tăng hiệu quả truyền tải thông tin, thu hút khách tham quan.

Bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An cũng tích cực tìm hiểu, ứng dụng nhiều phương pháp bảo quản để gìn giữ trên 23.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều hiện vật gốc, đồng thời tổ chức trưng bày theo các chuyên đề một cách khoa học, đó là: Khảo cổ học trên đất Long An, Mỹ thuật truyền thống, Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ…

Tạo chuỗi sản phẩm thu hút du khách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa khẳng định, mỗi di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở Long An đều mang đậm phong cách của vùng đất, con người địa phương. Đây là tài nguyên để hình thành nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần tăng nét đặc thù, khẳng định hình ảnh du lịch Long An hấp dẫn, an toàn.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Long An Nguyễn Văn Hiển, kết hợp khai thác các sản phẩm du lịch trên cơ sở tài nguyên di sản văn hóa với các sản phẩm du lịch khác như trải nghiệm hệ sinh thái, vui chơi, giải trí, thể thao... nhằm tạo chuỗi sản phẩm là rất cần thiết, giúp gia tăng lượng khách và doanh thu cho du lịch Long An. Các doanh nghiệp lữ hành như Rồng Việt Travel, Mice Travel, LA Tourist, Golden Smile Travel đã kết nối với nhiều khu, điểm du lịch ở Long An, các điểm đến di tích lịch sử, văn hóa để đẩy mạnh các tour, tuyến du lịch học đường, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm dành cho học sinh, sinh viên...

Cùng quan điểm cần phát huy lợi thế về vị trí địa lý, giá trị các di sản văn hóa, cảnh quan môi trường để tạo chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Tấn Quốc thông tin, Long An có vị trí đắc địa, là cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có tài nguyên du lịch khá đa dạng, gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Trong đó, tài nguyên du lịch nhân văn, hệ thống các di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng để tỉnh kết nối, tạo các sản phẩm du lịch theo chuyên đề du lịch tìm hiểu di tích, di sản hoặc kết hợp giữa du lịch sinh thái, trải nghiệm cảnh quan với tham quan di tích lịch sử, văn hóa, tìm hiểu các di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Tân An, các huyện như Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Thủ Thừa, Mộc Hóa.

Nhằm tăng hiệu quả bảo tồn di sản gắn với khai thác phát triển du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa được số hóa với đầy đủ dữ liệu, đồng thời đưa hình ảnh lên sách điện tử ảnh đẹp du lịch Long An, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp cùng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức cuộc thi thiết kế “tour số, tuyến ảo”, qua đó giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Long An với các điểm đến gắn với cảnh quan sinh thái, các di sản văn hóa là các di tích, lễ hội, làng nghề...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường kết nối, tạo chuỗi sản phẩm, tour tuyến thu hút du khách từ sản phẩm đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười cùng các di sản văn hóa đặc sắc. Du lịch Long An đang đề cử một số điểm đến, trong đó có điểm đến di tích lịch sử, khu du lịch đậm bản sắc văn hóa vào danh sách bình chọn điểm đến du lịch tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”. Qua đó, tăng cường quảng bá, kết nối các sản phẩm du lịch hấp dẫn nhất, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, du lịch Long An đón trên 1,1 triệu lượt du khách, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023; tham quan các di sản văn hóa là một trong những điểm nhấn của vùng đất cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long này.

Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
Chùa Pháp Hoa: Ngôi cổ tự 100 tuổi giữa Sài Gòn hoa lệ
(Ngày Nay) - Chùa Pháp Hoa là địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ở trung tâm thành phố xô bồ, chùa Pháp Hoa yên bình tĩnh lặng đến lạ. Không chỉ là ngôi chùa cổ có lịch sử gần 100 năm, nơi đây còn là cái nôi văn hóa Phật pháp, được nhiều du khách thập phương tìm về hành hương mỗi dịp lễ Phật.
Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường
(Ngày Nay) -  Để ứng phó “thách thức kép” về biến đổi khí hậu và nguy cơ suy thoái môi trường, tỉnh Ninh Thuận tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả, bền vững.
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
Hy Lạp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trên các hòn đảo
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, Hy Lạp đã ký một thỏa thuận năng lượng sạch với Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh trên các đảo dễ bị tổn thương của nước này, vốn đang bị đe dọa bởi tình trạng du lịch quá mức và biến đổi khí hậu.
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.