Đây là lần đầu tiên Liên hoan thực hành Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ được tổ chức, có sự đóng góp của nhiều nghệ nhân, thanh đồng đạo quan, thủ nhang đồng đền đến từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh.
Trong thời gian diễn ra liên hoan, mỗi nghệ nhân, thanh đồng tham gia liên hoan thực hành trong thời gian 60 phút. Theo quy định của Ban tổ chức, các nghệ nhân, thanh đồng không được phát truyền giả lời thánh, có hành động thái quá không đúng lối diễn xướng dân gian, không kéo dài thời gian diễn xướng, không được có lời nói, hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, phục vụ lợi ích cá nhân…
Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một trong những hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ, bảo tồn và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống được truyền lại từ nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Với mục tiêu quảng bá các giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của Di tích lịch sử - danh thắng Quốc gia Đền Sinh, Đền Hóa trên vùng đất Chí Linh cũng như góp phần gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh và lan tỏa giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, thành phố Chí Linh đã tập trung nhiều giải pháp để quảng bá, tôn vinh, bồi dưỡng các nghệ nhân hát Văn. Di tích lịch sử - danh thắng Quốc gia Đền Sinh, Đền Hóa cũng điểm đến của các thanh đồng đạo quan, nghệ nhân thủ nhang đồng đền khi về đến Chí Linh, Hải Dương.
Năm 2016, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Văn hóa hát Chầu Văn và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là nghi lễ tâm linh đặc trưng ở đền Đền Sinh, Đền Hóa. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nhằm tôn vinh công lao của Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn, Đức Thành Phi Bồng - Hiệu Thiên Thiên đế đã có công âm phù hộ quốc, bảo trợ cho nhân dân được khang cường, mùa màng tươi tốt. Đây là tín ngưỡng dân gian, mang sắc thái thuần Việt, nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của nhân dân ta chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, sâu sắc được cộng đồng sáng tạo và trao truyền qua nhiều thế hệ. Thờ Mẫu Tam phủ thể hiện quan điểm về ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, trong đó đề cao vai trò của người phụ nữ, người mẹ trong cuộc sống gia đình và xã hội.
Các thực hành trong tín ngưỡng thờ Mẫu phản ánh sự tích hợp của nhiều loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc, dung hòa sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc, tạo nên bức tranh đa màu sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.