Bảo tồn và phát triển ca trù với thế hệ trẻ

Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 vừa được tổ chức sáng ngày 2/11 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Điểm đáng chú ý của liên hoan năm nay chính là đã thu hút nhiều thí sinh có độ tuổi thanh, thiếu niên, trong đó có thí sinh nhỏ nhất tham dự liên hoan mới 4 tuổi.

Tham dự chương trình có Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam GS.TS Tô Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Di sản Văn hóa Việt Nam PGS.TS Đỗ Văn Trụ cùng các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân và thí sinh tham dự từ các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Bảo tồn và phát triển ca trù với thế hệ trẻ ảnh 1

Bà Bùi Thị Thu Hiền tặng hoa các đại diện của các Câu lạc bộ tham dự Liên hoan

Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội là hoạt động thường niên được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức 3 năm một lần. Hoạt động nhằm khẳng định giá trị nghệ thuật độc đáo, quý báu mà cha ông đã để lại cũng như đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và gìn giữ cho mai sau một di sản độc đáo, giàu bản sắc dân tộc. 

Liên hoan năm nay diễn ra với sự tham gia của 30 thí sinh dự thi múa hát tập thể (chưa kể kép đàn và trống), 26 thí sinh dự thi Đào nương, Kép đàn và trống chầu của 8 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội và 3 thí sinh tự do. 

Điểm khởi sắc của Liên hoan nói riêng và việc bảo tồn, phát triển ca trù nói chung đó chính là độ tuổi của thí sinh tham dự năm nay mở rộng hơn. Có 13 thí sinh là đào nương và đàn kép trong độ tuổi từ 6 - 15 tuổi, chiếm 50%; có 13/26 thí sinh là đào nương và đàn kép trong độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, còn lại là các nhóm múa có độ tuổi từ 4 - 15 tuổi. Thí sinh nhỏ tuổi nhất tham dự mới 4 tuổi.

Bảo tồn và phát triển ca trù với thế hệ trẻ ảnh 2

Tiết mục tham dự của Câu lạc bộ Ca trù Thượng Vũ

Liên hoan diễn ra với mục đích tiếp tục góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật độc đáo này, động viên và thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù ở cơ sở, đồng thời pháy hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ. Đây chính là vấn đề mấu chốt nhất nhằm đưa ca trù ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp.

Tại buổi Liên hoan, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo chia sẻ, trước khi UNESCO vinh danh ca trù là di sản văn hóa phi vật thể năm 2009, Hà Nội là một trong những địa điểm phục hồi ca trù sớm nhất và đến nay ca trù tiếp tục được bồi dưỡng, phát huy giá trị. Trong đó không thể không kể đến vai trò của cơ sở hết sức quan trọng. Cuộc thi này là hoạt động ý nghĩa của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong việc thực hiện các kế hoạch đào tạo, chọn lựa lớp trẻ để phát huy.

"Năm nay là lần thứ 2 con tham gia Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù và con rút ra được nhiều kinh nghiệm như hát theo nhiều cách mới, đánh nhiều làn điệu mới, học được cách nhả chữ. Ca trù không phải là bắt tai nhưng có ý nghĩa nhất định, giúp con biết thêm kiến thức về lịch sử, về công cuộc xây dựng đất nước từ xay xưa ông cha. Ước mơ của con sau này có thể thành nghệ nhân ca trù", bé Nguyễn Phương Trinh, thí sinh của Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê chia sẻ.

Cũng trong niềm tự hào và trân trọng giá trị nghệ thuật của cha ông để lại, bé Nguyễn Thị Hà My đến từ Câu lạc bộ Ca trù Thượng Vũ bày tỏ sự hào hứng, thích thú với cuộc thi. Hà My theo ca trù từ năm 6 tuổi và đến nay đã duy trì được 3 năm. Không chỉ vậy, Hà My còn rủ thêm các bạn cùng trang lứa vào câu lạc bộ mình đang tham gia. Những điệu hát ca trù ban đầu khó hiểu với các bé nhưng sau quá trình tập luyện thì tình yêu với tiếng đàn, điệu hát của ca trù đã bồi đắp thêm và ngày càng hấp dẫn với những tài năng trẻ này.

Tuy nhiên, hiện nay, ở một số cấp cơ sở còn gặp khó khăn về vấn đề người học, người dạy và cả kinh phí để có thể phát triển hơn nữa vai trò của các câu lạc bộ. 

Bảo tồn và phát triển ca trù với thế hệ trẻ ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn chia sẻ khó khăn trong sinh hoạt cấp cơ sở

Bà Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Chanh Thôn cho biết, hàng năm, câu lạc bộ của bà sẽ chiêu sinh một lần. Nhiều bạn trẻ sau khi thành thạo hát theo đàn được thì đến tuổi học đại học xa nhà, tuổi lập nghiệp, xây dựng gia đình, rất ít trong đó tiếp tục theo đuổi ca trù được. Trong khi đó thì đa phần người dạy lại là lao động trụ cột của gia đình nên thời gian dành cho dạy ca trù không có nhiều. Kinh phí duy trì các hoạt động của câu lạc bộ ở mức đủ duy trì.

Để khắc phục những khó khăn này, Bà Bùi Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết hiện Sở đang tích cực đẩy mạnh hoàn thiện kế hoạch đến năm 2020, tất cả các thôn đều có nhà sinh hoạt văn hóa. Cùng với đó, Sở sẽ đưa ca trù biểu diễn phổ biến hơn tại các không gian văn hóa để người dân trong và ngoài nước biết đến di sản văn hóa phi vật thể này.

Lễ tổng kết và trao giải Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 diễn ra vào 17 giờ cùng ngày.

Theo An ninh Thủ đô
TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).