Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng không bỏ lỡ cơ hội từ kinh tế dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân phải vừa nghiêm minh bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Phiên thảo luận tại tổ 13 chiều ngày 12/5.
Phiên thảo luận tại tổ 13 chiều ngày 12/5.

Chiều 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về 4 nội dung: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Khai thác dữ liệu một cách an toàn

Trong đó Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhận được nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội về yêu cầu vừa bảo vệ quyền riêng tư của người dân, vừa thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Tại Tổ 16, đại biểu Trần Văn Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (Đoàn Hà Nam) đánh giá Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước đầu thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nhiều điểm tiến bộ đã được đưa vào như bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu, nghĩa vụ minh bạch và an toàn thông tin của bên kiểm soát, các biện pháp bảo vệ dữ liệu.

Đặc biệt, ông ghi nhận tinh thần khuyến khích đổi mới trong các điều khoản như: Miễn trừ một số yêu cầu về nhân sự bảo vệ dữ liệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp 5 năm đầu; cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân trong các chương trình thí điểm về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mà không bị coi là mua bán dữ liệu...

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Khải, một nội dung cốt lõi mà Nghị quyết 57 đề ra – yêu cầu "đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính" để phát triển kinh tế dữ liệu – chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật.

Dự thảo hiện nay thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu. Khoản 5 Điều 7 dự thảo cấm tuyệt đối "mua, bán dữ liệu cá nhân".

Theo đại biểu, quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển.

Đại biểu cho rằng, nếu luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn, chúng ta khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh. Dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán "chui" trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này.

Do vậy, đại biểu Trần Văn Khải đề xuất sửa đổi khoản 5 Điều 7 theo hướng sửa đổi khoản 5 Điều 7 (Hành vi bị nghiêm cấm): Thay quy định cấm tuyệt đối "mua, bán dữ liệu cá nhân" bằng cấm mua bán dữ liệu khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật. Đồng thời bổ sung chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.

Bên cạnh đó, bổ sung một điều trong Chương IV (Sử dụng dữ liệu cá nhân): Quy định Nhà nước khuyến khích chia sẻ, sử dụng dữ liệu đã được ẩn danh hoặc tổng hợp phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ. Qua đó hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở giữa nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng không bỏ lỡ cơ hội từ kinh tế dữ liệu ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ 14

Những đề xuất trên nhằm bảo đảm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa nghiêm minh bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Nêu ý kiến thảo luận tại Tổ 14, đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng trong dự thảo luật lần này, có rất nhiều quy định liên quan đến dữ liệu cá nhân, bao gồm cả dữ liệu cá nhân cơ bản cũng như dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, tại phần giải thích thuật ngữ lại không nêu.

"Phải chăng có ý định giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này? Dù có như vậy thì theo tôi, vẫn cần giải thích rõ hơn trong luật, ít nhất là trong Điều 2 về giải thích thuật ngữ", đại biểu Tuấn nêu rõ.

Theo đại biểu, các danh mục dữ liệu cá nhân cơ bản và nhạy cảm có thể giao Chính phủ quy định chi tiết bằng nghị định, nhưng khái niệm phải được xác định rõ ngay trong luật.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, nguy cơ rò rỉ và bị khai thác trái phép thông tin cá nhân ngày càng cao. Đại biểu Trần Văn Tuấn cảnh báo, nếu không xác định rõ thế nào là dữ liệu cơ bản và dữ liệu nhạy cảm, cũng như không có các biện pháp bảo vệ tương xứng, thì quyền riêng tư của người dân dễ bị xâm phạm, đặc biệt là trong bối cảnh các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, có thể lợi dụng kẽ hở pháp lý để khai thác dữ liệu cá nhân phục vụ mục đích xấu.

"Chúng ta không ai muốn thông tin cá nhân của mình bị lan truyền, khai thác trái phép trên mạng xã hội", đại biểu nói, đồng thời đề nghị phải có điều khoản giao Chính phủ cụ thể hóa rõ ràng hơn các danh mục và hình thức quản lý dữ liệu, bảo đảm tính minh bạch, khả thi trong thực tiễn.

Thảo luận tại tổ 13, đại biểu Trần Quốc Tỏ (đoàn Bắc Ninh) đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý quy định các trường hợp chuyển dữ liệu xuyên biên giới. Việc này nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là giữa Luật Dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên số.

Theo đại biểu, quy định về chuyển dữ liệu xuyên biên giới cần được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, bảo đảm tương thích với thông lệ quốc tế, tránh gây ra rào cản không cần thiết về thủ tục hành chính.

Liên quan đến công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, đại biểu Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh sự cần thiết của việc phân định rõ trách nhiệm giữa các lực lượng, huy động đồng bộ các nguồn lực xã hội, qua đó giảm gánh nặng cho cơ quan nhà nước và nâng cao hiệu quả quản lý.

Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đã quy định về cơ quan và lực lượng chuyên trách trong lĩnh vực bảo vệ dữ liệu cá nhân mà không làm phát sinh tổ chức mới. Việc này phù hợp với Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó Chính phủ giao Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) là cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm chính trong công tác này.

Tại các tổ, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ kỳ vọng vào việc xây dựng một đạo luật có tính nền tảng, vừa bảo vệ hiệu quả quyền cá nhân, vừa tạo động lực phát triển mới thông qua khai thác hợp lý dữ liệu. Đây không chỉ là pháp lý, mà còn là về tầm nhìn, về sự hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, giữa quyền con người và chiến lược quốc gia trong kỷ nguyên số.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nga sẵn sàng tiếp tục đàm phán với Ukraine
(Ngày Nay) - Trong cuộc điện đàm kéo dài 50 phút với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moskva sẵn sàng quay lại đàm phán với Ukraine sau ngày 22/6.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
Việt Nam trở thành nước đối tác của nhóm BRICS
(Ngày Nay) - Việt Nam trở thành nước Đối tác Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ảnh minh hoạ.
"Kiềng ba chân" trong phát triển nhân lực chất lượng cao
(Ngày Nay) - "Giáo dục-khoa học công nghệ-đổi mới sáng tạo là ba trụ cột cần đột phá để phát triển nhanh và bền vững đất nước", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai các đề án lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học ngày 14/6 tại Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phe bảo thủ đòi ông Trump "bỏ mặc" Israel
(Ngày Nay) - Những nhân vật cánh hữu chủ chốt, bao gồm một số đồng minh của Tổng thống Trump, đặt câu hỏi về các cuộc không kích của Israel và cảnh báo về một cuộc chiến tranh của Mỹ với Iran.
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Xung đột Iran - Israel đe dọa nền kinh tế toàn cầu
(Ngày Nay) - Căng thẳng leo thang tại Trung Đông đe dọa cắt đứt nguồn cung dầu và khí đốt, đẩy giá vận chuyển, hàng hóa, năng lượng lên cao, khiến thế giới đối mặt rủi ro suy thoái diện rộng.