Tờ Independent dẫn lời các nhà khoa học ở Scotland cho biết các mẫu ADN họ tìm được trong một vài mẫu trang sức bằng ngà bày bán tại chợ ở Campuchia hóa ra lại là ADN của voi ma mút, vốn đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.
"Thật ngạc nhiên khi tìm ra mẫu di truyền của loài voi ma mút tại một quốc gia nhiệt đới như Campuchia, nhất là khi chúng tôi chỉ vừa mới bắt đầu thực hiện công tác kiểm nghiệm", tiến sĩ Alex Ball, trưởng dự án WildGenes, cho biết.
"Chúng tôi sẽ sử dụng mẫu gene này để tìm ra nó đến từ đâu, từ đó có thể cải thiện công tác bảo tồn", ông cho biết thêm.
Phát hiện của các nhà khoa học nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu sử dụng các mẫu phân tích di truyền để ngăn chặn tình trạng săn bắn động vật hoang dã trái phép. Bằng cách nghiên cứu mẫu ADN trong ngà voi, họ có thể phát hiện được các điểm nóng săn bắt.
Ngành công nghiệp buôn bán ngà voi trị giá hàng tỉ đôla là nguyên nhân cho cái chết của khoảng 30.000 con voi mỗi năm.
Tại Campuchia, các nhà khoa học đã tìm ra được nhiều mẫu ngà đến từ các loài voi châu Á và châu Phi, vốn đang dần tuyệt chủng vì nạn săn bắt trộm đang hoành hành.
Mẫu ADN trích xuất từ các lô hàng ngà voi bị thu giữ sẽ được sử dụng như bằng chứng đưa các băng đảng săn bắt bất hợp pháp ra ánh sáng.
Tiến sĩ Alex Ball, trưởng dự án WildGenes, nghiên cứu mẫu ngà voi - (Ảnh: AFP). |
Ngoài ra, nghiên cứu ADN còn có ý nghĩa lớn lao trong việc góp phần xây dựng bản đồ gene cho loài, từ đó tìm về cội nguồn của chúng.
Các nhà nghiên cứu Scotland đang hợp tác cùng các nhà khoa học bản địa để xây dựng một phòng nghiên cứu bảo tồn gen do chính phủ Anh tài trợ tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia.
Theo tiến sĩ Alex Ball, tình trạng buôn bán ngà voi trái phép đang tăng cao tại Campuchia, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy loài voi bản địa là loài bị săn trộm.
Vào năm ngoái, chính phủ Anh đã ban bố lệnh cấm buôn bán những đồ dùng hay nhạc cụ có thành phần là ngà voi. Tuy nhiên lệnh cấm này vẫn vướng phải chỉ trích vì chưa đủ tính răn đe.