Bất trắc hành trình nhập cư bất hợp pháp

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong 2 năm qua, làn sóng nhập cư bất hợp pháp đến Vương quốc Anh tăng cao kỷ lục với hầu hết người di cư chọn con đường vượt Eo biển Manche từ Pháp bằng thuyền hơi hoặc đi đường bộ trên những xe tải đông lạnh chở hàng từ châu Âu.
Bất trắc hành trình nhập cư bất hợp pháp

Nhiều người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã bỏ mạng trên hành trình nguy hiểm này khi chưa đặt chân tới Anh. Mạo hiểm tính mạng để đến Anh, người nhập cư trái phép có nguy cơ bị trục xuất hoặc sống chui lủi bất hợp pháp, trở thành nạn nhân của chính những kẻ đưa họ vào con đường di cư đầy bất trắc này.

Ngày 28/2, một người đã thiệt mạng và hai người mất tích sau khi rơi xuống biển từ một chiếc thuyền cố vượt biển từ Pháp đến Anh. Đây là sự cố mới nhất liên quan tới người nhập cư bất hợp pháp vượt Eo biển Manche đến Anh. Trên tuyến đường này, hồi tháng 1 vừa qua, 6 người di cư đã bỏ mạng trong khi 4 người tử vong vào tháng 12/2023, và ít nhất 6 người thiệt mạng, 2 người mất tích trong vụ lật thuyền hồi tháng 8/2023. Thảm kịch lớn nhất trên tuyến đường di cư này là vụ chìm thuyền hồi tháng 11/2021, khiến ít nhất 27 người thiệt mạng.

Theo Bộ Nội vụ Anh, trong 2 năm qua, 76.000 người từ các quốc gia trên khắp thế giới đã đến Anh bằng cách vượt Eo biển Manche trên các con thuyền nhỏ. Số người tử vong trên hành trình nguy hiểm này tăng gấp 3 lần trong năm 2023 so với năm trước. Kể từ năm 2019, ít nhất 65 người đã thiệt mạng khi vượt biển trên những chiếc thuyền hơi từ Pháp sang Anh.

Ông James Grace, quan chức thuộc Lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp trên biển (SBOC), cảnh báo hành trình vượt Eo biển Manche đến Anh đặc biệt nguy hiểm khi 50-60, thậm chí 80 người được nhồi nhét trên 1 chiếc thuyền hơi nhỏ, rẻ tiền, không được thiết kế để vượt biển đường dài, trong khi trang thiết bị an toàn như áo phao, phao cứu sinh, hầu như không có. Những chiếc thuyền chở quá tải này dễ dàng bị lật, tràn nước, xịt hơi hoặc thủng khi di chuyển trên biển trong điều kiện thời tiết biến đổi nhanh.

Việc đi đường bộ trên những chiếc xe tải đông lạnh chở hàng cũng rủi ro không kém khi người di cư phải trốn trong khoang đông lạnh kín với nguy cơ bị chết cóng hoặc chết ngạt, hoặc bị bắt tại các cảng hoặc cửa khẩu. Dư luận thế giới vẫn chưa thể quên được vụ thi thể của 39 người Việt được tìm thấy trong một xe tải container đông lạnh tại hạt Essex của Anh hồi năm 2019 và thảm kịch tương tự xảy ra vào năm 2000 khi 60 người Trung Quốc được phát hiện bên trong một xe tải chở cà chua tại cảng Dover, hạt Kent, phía Đông Nam nước Anh, trong đó 58 người đã chết và chỉ 2 người sống sót.

Ông James Grace nhấn mạnh ngay khi đến được Anh, người nhập cư bất hợp pháp không có cơ hội ở lại để bắt đầu cuộc sống mới. Ông dẫn Luật Nhập cư bất hợp pháp của Anh quy định, những người đến nước này bằng con đường trái phép sẽ bị giam giữ và trục xuất về nước ngay lập tức, hoặc bị đưa tới một quốc gia thứ ba như Rwanda. Theo luật Anh, những người nhập cảnh từ một quốc gia an toàn và nộp đơn xin tị nạn cũng sẽ không được xét hồ sơ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, năm ngoái, đã có hơn 6.300 trường hợp xin tị nạn bị buộc hồi hương và hơn 19.000 trường hợp xin hồi hương tự nguyện, tăng lần lượt 66% và 76% so với năm trước, trong bối cảnh Chính phủ Anh siết chặt luật nhập cư. Ông Grace lưu ý Chính phủ Anh sẽ mạnh tay với những đối tượng tạo điều kiện cho việc nhập cảnh trái phép vào Anh và những nghi phạm theo Luật nhập cư bất hợp pháp sẽ bị điều tra và có thể bị bắt và kết án.

Anh cũng áp dụng những quy định hình sự mới đối với người nhập cảnh bất hợp pháp với các hình phạt ngày càng cứng rắn. Người nhập cư đến Anh không qua thủ tục nhập cảnh hợp lệ bị coi là phạm tội hình sự với mức án lên đến 4 năm tù, trong khi tội phạm đưa người nhập cư trái phép sang Anh đối mặt với án tù chung thân. Những người bị phát hiện tiếp tay cho đường dây buôn người, như lái thuyền chở người nhập cư bất hợp pháp hoặc giúp người di cư trả tiền cho tội phạm buôn người, sẽ bị truy tố và kết án trước khi bị trục xuất đến một quốc gia khác.

Từ khi thành lập Cơ quan tình báo chung vào tháng 7/2020, Anh và Pháp đã triệt phá 76 nhóm tội phạm có tổ chức và thực hiện hơn 500 vụ bắt giữ, với 779 người bị kết án tại Anh về các tội liên quan đến nhập cư với tổng hình phạt hơn 900 năm tù, và hơn 340 bản án liên quan đến các vụ đưa người nhập cảnh trái phép.

Bộ Nội vụ cũng cảnh báo với những người nhập cư trái phép cố tình trốn lại, cuộc sống đầy bất trắc khi họ không có quyền làm việc, thuê nhà, mở tài khoản ngân hàng hay tiếp cận dịch vụ y tế, xã hội tại Anh. Vì vậy, nhiều người nhập cư bất hợp pháp phải phụ thuộc vào chính các đối tượng đưa họ sang Anh để tìm việc làm và nơi ở, và trong nhiều trường hợp bị bóc lột lao động, hoặc buộc phải làm những công việc trái pháp luật, nguy hiểm hoặc tham gia vào các đường dây tội phạm.

Bất chấp những rủi ro, số người di cư đến Anh - phần lớn bằng đường biển - vẫn cao, cho thấy nhận thức trong cộng đồng về mối nguy hiểm của những tuyến đường di cư bất hợp pháp vẫn còn hạn chế.

Bà Carol Heginbottom, Phó Giám đốc bộ phận Hoạt động quốc tế thuộc SBOC, cho biết thách thức lớn nhất của lực lượng chống nhập cư bất hợp pháp là việc truyền tải thông điệp về mức độ nguy hiểm của hành trình xuyên Eo biển Manche, cũng như việc xử lý vấn nạn bóc lột người di cư. Bà Carol Heginbottom cảnh báo người di cư đang mạo hiểm tính mạng khi vượt biển trên những con thuyền nhỏ kém chất lượng, nhấn mạnh đối tượng duy nhất hưởng lợi là các băng nhóm tội phạm, vốn không quan tâm tới mạng sống của người di cư, trong đó có phụ nữ và trẻ em, sẵn sàng đưa họ vào chỗ chết trong các chuyến đi đầy nguy hiểm.

Ông Grace cũng đồng tình, nhiều người đã trả cho những kẻ buôn người khoản tiền dành dụm cả đời chỉ để nhận kết cục bị bắt khi vừa đặt chân tới Anh, buộc phải về nước hoặc đến một nước thứ ba. Ông Grace nêu rõ người nhập cư cần tìm hiểu về những tuyến đường an toàn và hợp pháp đến Anh. Từ năm 2015, Anh là nước tiếp nhận người tị nạn lớn thứ ba ở châu Âu sau Đức và Thụy Điển và lớn thứ sáu trên thế giới, với hơn nửa triệu người được nhập cư vào Anh theo các tuyến đường hợp pháp. Ông Grace khẳng định mặc dù hạn chế tình trạng nhập cư bất hợp pháp, Chính phủ Anh sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ những người tị nạn dễ bị tổn thương cũng như nghiên cứu các tuyến đường mới an toàn và hợp pháp cho những người xin tị nạn.

Năm 2023, Chính phủ Anh thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, như thành lập lực lượng chuyên trách chống nhập cư bất hợp pháp trên biển, hợp tác với Pháp và các đối tác quốc tế tăng cường giám sát, tuần tra biển, đặc biệt ở các điểm tập trung đưa người vượt biển; tăng cường kiểm soát biên giới đường bộ, sử dụng chó nghiệp vụ và máy quét có thể phát hiện người để khám xét xe tải tại tất cả các trạm kiểm soát của Liên minh châu Âu (EU) trước khi đến Anh; trấn áp tội phạm buôn người có tổ chức; ban hành luật mới nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp trở về nước hoặc đến nước thứ ba. Mới đây, ngày 23/2, Anh và EU đạt thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan biên giới Anh và Cơ quan biên giới EU (Frontex) nhằm đảm bảo an ninh biên giới và chống tội phạm có tổ chức về nhập cư bất hợp pháp.

Với những nỗ lực này, số người vượt Eo biển Manche đến Anh giảm 36% trong năm 2023 xuống còn gần 29.440 người, so với 45.780 người trong năm 2022. Cùng với Pháp, Anh cũng ngăn chặn được 26.000 lượt người có ý định vượt biển đến nước này vào năm 2023. Theo ông Grace, nhập cư bất hợp pháp là thách thức quốc tế mà Chính phủ Anh đang nỗ lực giải quyết trên mọi mặt trận, gồm việc hợp tác với các đối tác quốc tế, trong đó có Việt Nam. Ông nhấn mạnh Việt Nam và Anh đang hợp tác chặt chẽ để giải quyết vấn nạn nhập cư bất hợp pháp cũng như các vấn đề khác.

Bà Heginbottom cũng cho biết Chính phủ Anh đang thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội ở ngước ngoài với hy vọng truyền tải thông điệp cảnh báo tới những người có ý định thực hiện hành trình di cư nguy hiểm đến Anh.

Tổng Bí thư Tô Lâm với cán bộ Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau.
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau
(Ngày Nay) - Tiếp theo chương trình công tác tại Cà Mau, chiều 17/11, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020-2025.
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
Nghe pháp tôn trọng, nhưng chớ vội tin
(Ngày Nay) - Nghe Pháp là từ thường gặp trong kinh. Đa văn là nghe Pháp nhiều, một trong những hạnh lành. Ngày nay, nghe Pháp không chỉ nghe giảng mà còn là đọc, tụng, nghiên cứu, thảo luận, biên khảo giáo pháp.
Toàn cảnh Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình.
Gìn giữ văn hóa bản địa qua trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình
(Ngày Nay) - Tối 17/11, tại Quảng trường Hòa Bình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình tổ chức Chương trình Liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15-23/11/2024.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình.
Đoàn kết xây dựng khu dân cư tự quản, văn minh, hạnh phúc
(Ngày Nay) - Tối 17/11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng Đoàn công tác Trung ương đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 tại Tổ dân phố 4, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tỉnh Ninh Bình và đông đảo cán bộ, nhân dân Tổ dân phố 4, phường Đông Thành.
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Tỉnh Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nhiều hoạt động hỗ trợ và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhằm mang lại quyền lợi thiết thực cho người dân.
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
Hội nghị thượng đỉnh G20: Bất đồng trước thềm hội nghị về vấn đề khí hậu và đánh thuế
(Ngày Nay) - Ngày 16/11, trong cuộc thảo luận về tuyên bố chung trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà ngoại giao của nhóm đã gặp khó khăn trong việc thu hẹp bất đồng về nguồn tài chính để giải quyết biến đổi khí hậu và vấn đề đánh thuế nhóm siêu giàu.