Tại Pháp, nông dân đã phong tỏa các cao tốc xung quanh thủ đô Paris và sân bay Toulouse để bày tỏ một loạt bất bình, bao gồm hàng nhập khẩu giá rẻ và quy định môi trường quá mức của Liên minh Châu Âu.
Còn tại nước láng giềng Tây Ban Nha, các hiệp hội nông dân nước này hôm thứ Ba cho biết họ dự định xuống đường biểu tình vào tháng 2.
Nông dân Bỉ cũng đã lên kế hoạch phong tỏa cảng container Zeebrugge vào thứ Ba, nhằm hưởng ứng phong trào tại Pháp.
Làn sóng nông dân biểu tình tại EU bắt nguồn từ Đức và Ba Lan, diễn ra trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, trong đó phe cực hữu, vốn chiếm cảm tình của đông đảo nông dân, được cho là đang đạt được nhiều lợi ích.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Ba cho biết ông muốn Liên minh châu Âu quản lý việc nhập khẩu thịt gà và ngũ cốc từ Ukraine, đồng thời cho phép linh hoạt đối với một số quy tắc canh tác nhằm giúp xoa dịu sự tức giận của người nông dân.
Chính quyền của ông Macron đã hủy bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp cho dầu diesel nông nghiệp và hứa sẽ nới lỏng các quy định về môi trường nhằm giảm leo thang căng thẳng.
Chính phủ Pháp cũng sẽ thúc đẩy các nước EU đồng ý nới lỏng các quy định về đất nông nghiệp bỏ hoang.
Nông dân Pháp, đóng vai trò là nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, cho biết họ không nhận được thù lao xứng đáng, bị bóp nghẹt bởi các quy định quá mức về bảo vệ môi trường và phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ hàng nhập khẩu giá rẻ.
Người nông dân phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để nhận được trợ cấp của EU, bao gồm yêu cầu dành 4% đất nông nghiệp cho các khu vực "phi sản xuất" nơi thiên nhiên có thể phục hồi. Muốn làm được điều này, nông dân buộc phải để đất hoang.
“Dù điều gì xảy ra, chúng tôi quyết tâm đi đến cùng”, nông dân Jean-Baptiste Bongard nói khi đám đông nông dân tụ tập quanh đống lửa nhỏ trên đường cao tốc ở Jossigny, gần Paris.
Ông Bongard, người tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình vào tháng 7 và cảm thấy khó cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài không tuân theo các quy định tương tự, cho biết: “Nếu phong trào cần kéo dài một tháng thì nó sẽ kéo dài một tháng”.
Pedro Barato, chủ tịch hiệp hội đại diện cho khoảng 200.000 nông dân Tây Ban Nha, thông báo về kế hoạch biểu tình: “Việc huy động người xuống đường sẽ diễn ra càng sớm càng tốt. Các hành động sẽ không khác lắm so với những gì đang xảy ra ở các nước EU".
Hạn hán ở miền Nam Tây Ban Nha đã ảnh hưởng đến nông dân, khiến sản lượng một số loại cây trồng như lúa gạo và ô liu giảm trong hai năm qua.
Khi các cuộc biểu tình ở Pháp ngày càng gia tăng, khoảng 20.000 xe tải Tây Ban Nha vận chuyển trái cây, rau quả và các hàng hóa khác gặp khó trong việc thông quan.
Hiệp hội vận tải Tây Ban Nha ước tính việc phong tỏa của nông dân gây thiệt hại 10 triệu euro (10,84 triệu USD) cho các công ty Tây Ban Nha mỗi ngày.