Phe đối lập của Thái Lan đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật sau khi đánh bại các đảng liên minh với quân đội, tạo tiền đề cho một loạt thỏa thuận về việc thành lập chính phủ nhằm chấm dứt gần một thập kỷ quân đội nắm quyền điều hành đất nước.
Đảng Tiến bước theo chủ nghĩa tự do và Đảng Pheu Thai theo chủ nghĩa dân túy hiện đang dẫn đầu với 99% số phiếu đã được kiểm, nhưng chưa rõ đảng nào sẽ giành được quyền thành lập chính phủ.
Để lên nắm quyền và chọn ra tân thủ tướng, các đảng đối lập sẽ cần đạt được các thỏa thuận và tập hợp sự ủng hộ từ nhiều phe, bao gồm cả các thành viên của Thượng viện do quân đội ủng hộ.
Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa qua là trận đấu mới nhất trong cuộc chiến tranh giành quyền lực kéo dài giữa đảng Pheu Thai của gia tộc tỷ phú Shinawatra và phe bảo thủ trong quân đội.
Nhưng cái tên gây bất ngờ nhiều nhất lại là đảng Tiến bước, vốn nhận được sự ủng hộ từ đa số cử tri trẻ tuổi tại thủ đô Bangkok. Sự nổi lên của một chính đảng trẻ trung, với chủ trương cải cách thể chế và xóa bỏ tình trạng độc quyền trong nền kinh tế, sẽ là thách thức lớn nhất đối với các phe phái bảo thủ và dân túy trong chính giới Thái Lan.
Kết quả sơ bộ cho thấy đảng Tiến bước đang dẫn đầu, bám sát phía sau là Pheu Thai. Theo dự đoán, cả hai đảng này sẽ giành được nhiều hơn gấp 3 lần số ghế của hai đảng Palang Pracharat và đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất, đảng của đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, đều do quân đội hậu thuẫn.
Ứng viên thủ tướng của đảng Tiến bước, ông Pita Limjaroenrat, thề sẽ trung thành với các giá trị của đảng mình khi thành lập chính phủ, đặc biệt là cam kết không liên minh với các đảng bảo thủ do quân đội hậu thuẫn.
Ông Pita cho biết vẫn sẵn sàng liên minh với đảng Pheu Thai, nhưng đã đặt mục tiêu trở thành thủ tướng tiếp theo của Thái Lan.
"Bây giờ rõ ràng đảng Tiến bước đã nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người dân trên khắp đất nước," ông Pita viết trên Twitter.
Phe bảo thủ thất thế
Kết quả bầu cử sơ bộ là một đòn chí mạng đối với các đảng được quân đội chống lưng. Nhưng với các quy tắc của nghị viện và những nhân vật có ảnh hưởng phía sau hậu trường, các đảng này vẫn có thể đóng một vai trò trong chính phủ mới.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, vị tướng đã lãnh đạo cuộc đảo chính mới nhất, đã vận động tranh cử liên tục sau 9 năm cầm quyền, cảnh báo một sự thay đổi trong chính phủ có thể dẫn đến mâu thuẫn trong xã hội.
Vào Chủ nhật, ông lặng lẽ rời khỏi trụ sở đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất của mình.
"Tôi hy vọng đất nước sẽ hòa bình và thịnh vượng", ông Prayuth nói với các phóng viên. "Tôi tôn trọng nền dân chủ và cuộc bầu cử. Xin cảm ơn".
Một đảng khác là Pheu Thai được kỳ vọng sẽ chiến thắng khi giành được nhiều phiếu bầu nhất trong mọi cuộc bỏ phiếu kể từ năm 2001, trong đó có hai chiến thắng áp đảo. Ba trong số bốn chính phủ của đảng này đã bị lật đổ trong quá khứ.
Được thành lập bởi nhà tài phiệt Thaksin Shinawatra, Pheu Thai vẫn cực kỳ nổi tiếng trong các tầng lớp lao động và đang trông chờ vào khả năng trở lại cầm quyền nhờ vào các chính sách dân túy như hệ thống y tế giá rẻ, các khoản vay nhỏ và trợ cấp hào phóng cho nông dân.
Bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, con gái của ông Thaksin, được cho là sẽ tiếp bước cha và người cô, Yingluck Shinawatra, trở thành thủ tướng đời thứ ba của gia tộc.
Ứng viên của đảng Pheu Thai cho biết bà rất vui vì đảng Tiến bước, nhưng còn quá sớm để thảo luận về các liên minh.
“Tiếng nói của người dân là quan trọng nhất", bà Paetongtarn nói.
Thitinan Pongsudhirak, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chulalongkorn, cho biết sự gia tăng của đảng Tiến bước cho thấy một sự thay đổi lớn trong giới chính trị Thái Lan.
"Pheu Thai đã chiến đấu trong cuộc chiến sai lầm. Họ đã chiến đấu trong cuộc chiến dân túy mà họ đã thắng. Đảng Tiến bước đưa cuộc chơi lên một tầm cao mới với cải cách thể chế. Đó là chiến trường mới trong chính trị Thái Lan", vị chuyên gia nhận định.