Theo thông tin từ báo Phụ nữ TP.HCM, ngày 23/7, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bé gái N.A.H. (2 tuổi, Lục Yên, tỉnh Yên Bái) bị bỏng vùng miệng do cắn dây điện.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhi, bé H. và chị gái chơi trong nhà, nhưng chị bé lo xem điện thoại không trông em. Do đó, trong khi chơi, bé H. nghịch cắn vào dây điện nên bị giật điện và bỏng nặng.
Ngay khi điện giật, bé bất tỉnh 10 - 15 phút. Gia đình vội vã chuyển bé đến Bệnh viện Sản nhi tỉnh Yên Bái. Tại đây, bé được đánh giá tổn thương bỏng sâu độ III, IV ở vùng miệng cằm, ăn uống kém, vùng miệng - cằm có phần hoại tử, tiết dịch mủ nhiều. Bệnh nhi được tiêm kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương hàng ngày.
Sau khi điều trị tại bệnh viện tỉnh 1 tuần, bé được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác. Các bác sĩ nhận định, với tổn thương bỏng sâu ở vùng miệng, bệnh nhi có nguy cơ bị di chứng sẹo co kéo vùng miệng, ảnh hướng tới chức năng ăn uống qua đường miệng và thẩm mỹ trên khuôn mặt. Bệnh viện lên phương án ghép da cho bé.
Hình ảnh tổn thương bỏng vùng miệng của bé gái 2 tuổi sau khi đã được điều trị. Ảnh: BVCC |
Theo các bác sĩ, trẻ bỏng điện thường do sơ suất của người lớn, người lớn sắp xếp các đồ vật ở tầm thấp, không đúng nơi quy định nên trẻ có thể với tay tới được.
Trẻ bị bỏng điện hay gặp là do sờ tay vào phích cắm/ổ cắm điện bị hở và dây điện bị hở nên vị trí bỏng thường gặp ở tay hoặc chân. Tuy ít gặp hơn nhưng các trường hợp trẻ bị bỏng vùng miệng do cắn vào dây điện bị điện giật không phải hiếm.
Trẻ em bị bỏng điện xẩy ra trong nhà là chủ yếu. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo gia đình nên lắp các thiết bị điện đúng quy tắc an toàn. Sử dụng các ổ cắm có nắp đậy, có rơ le tự ngắt khi chập điện.
Ngoài ra, cần để ổ điện trên cao ngoài tầm với của trẻ. Tuyệt đối không mắc dây điện trần trong nhà. Không cho trẻ chơi gần đường điện. Không cho trẻ nghịch dụng cụ điện. Không cho trẻ thao tác cắm điện. Cất kín dụng cụ điện. Bịt kít ổ điện khi không dùng đến. Không cho trẻ tự sửa chữa điện. Khi trông trẻ phải có sự giám sát thường xuyên của người lớn.