Bé trai 7 tuổi quê Đăk Lăk sinh ra với dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh khổng lồ và lõm ngực nặng. Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM phát hiện nang tuyến phổi của bé rất lớn, chiếm gần hết phổi trái, đẩy lệch tim sang hẳn bên phải. Dị dạng nang tuyến phổi bẩm sinh tỷ lệ mắc khoảng 1/12.000 trẻ, còn dị tật lõm ngực tỷ lệ 1/1.000 trẻ. Rất hiếm trường hợp mắc hai dị tật cùng lúc.
Bệnh nhi có thể đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng như chèn ép tim và trung thất, cản trở chức năng hô hấp, viêm phổi nặng... Do bé mắc hai dị tật, các bác sĩ chọn phương án mổ cùng lúc vừa cắt thùy phổi qua nội soi vừa nâng ngực lõm cho bé.
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết trường hợp này không giống các ca cắt thùy phổi nội soi thông thường. Bệnh nhi có tổn thương ở thùy dưới phổi trái rất to và viêm dính nhiều vào thành ngực. Do đó ca mổ phức tạp hơn so với dự kiến. Để thành công phẫu thuật viên phải cắt thùy phổi và hoàn thành ca mổ trong thời gian ngắn nhất.
Kíp mổ đã phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt thùy dưới phổi trái cho bệnh nhi chỉ trong 2,5 giờ thay vì 3,5 giờ như dự kiến. Sau đó bác sĩ đặt thanh dụng cụ nâng ngực mất thêm một giờ nữa. Bệnh nhi nhanh chóng ổn định sức khỏe sau mổ, được rút ống dẫn lưu lồng ngực, ăn uống tốt. Tái khám sau một tuần, bé hết mệt, ăn uống tốt, ngủ ngon.
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cho bé. Ảnh bệnh viện cung cấp. |
Theo bác sĩ Trương Anh Mậu, Phó Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2, những tình huống này trước đây bệnh nhi sẽ phải mổ 2 lần. Lần thứ nhất mở ngực cắt thùy phổi tổn thương, lần thứ hai đặt thanh dụng cụ nâng lồng ngực lõm. Phẫu thuật lần hai sẽ khó khăn hơn rất nhiều do di chứng mở ngực của lần mổ trước. Lý tưởng nhất là giải quyết hai dị tật trong một lần phẫu thuật dù rất khó thực hiện.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết việc kết hợp liên chuyên khoa trong xử trí trẻ có nhiều bệnh cùng lúc là hướng phát triển ưu tiên của bệnh viện và tốt nhất cho bệnh nhi.