PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, BV Hữu nghị Việt Đức cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới bệnh lý mạch vành là do sự tiến triển của các mảng xơ vữa trong lòng mạch vành. Trong một số trường hợp, mảng xơ vữa không ổn định gây nứt hoặc vỡ. Sự không ổn định của mảng xơ vữa gây nên triệu chứng các cơn đau ngực, khó thở. Trường hợp nặng hơn, mảng xơ vữa không ổn định gây nứt hoặc vỡ dẫn đến khó thở và đau ngực cấp tính hay còn gọi là nhồi máu cơ tim cấp.
Nhiều yếu tố nguy cơ khác gây bệnh mạch vành, bao gồm: Tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, rối loạn Lipid máu: Tăng Cholesterol và triglyceride tăng cao, hút thuốc, lười vận động, căng thẳng, trầm cảm và tức giận. Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, thức quá khuya, uống quá nhiều rượu, tuổi cao cũng có thể dẫn tới bệnh động mạch vành.
Triệu chứng điển hình của căn bệnh nguy hiểm động mạch vành là đau thắt ngực. Ngoài dấu hiệu điển hình này, người mắc bệnh động mạch vành còn gặp phải các triệu chứng như: Đau ngực, đặc biệt là ở giữa ngực hoặc bên ngực trái, kéo dài trong vài phút, hoặc biến mất và quay trở lại. Đau cảm giác tức nặng như có áp lực đè ép, đầy; Khó chịu vùng ngực kèm theo đau mỏi ở một hoặc cả hai cánh tay, vai, cổ, hàm hoặc phần trên của dạ dày; Khó thở, có hoặc không có đau ngực; Buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt hoặc ra mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, khó chịu vùng ngực.
Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và được điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử. Vì vậy PGS.TS Nguyễn Hữu Ước khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, đi kiểm tra sức khỏe đều đặn đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Để điều trị bệnh động mạch vành, tuỳ thuộc mức độ bệnh mà dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa. Bên cạnh đó, thay đổi lối sống cũng góp phần không nhỏ trong cải thiện triệu chứng, giảm nguy cơ mắc bệnh.