Việt Nam đã bước sang ngày thứ 32 không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tất cả trường hợp về nước bằng đường hàng không, qua cửa khẩu đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Quá tải bệnh nhân COVID-19 từ nước ngoài về?
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, biến ảo ở nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới. Nguy cơ dịch bệnh quay lại Việt Nam luôn rình rập trong thời gian tới khi chúng ta mở dần các đường bay quốc tế, chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ngày 16-5 vừa qua, chúng ta ghi nhận một trường hợp về từ Campuchia bằng xe máy, bệnh nhân này đã tiếp xúc với một vài người trước khi cách ly. Điều này chứng minh việc khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.
“May mà hệ thống quốc phòng an ninh đã vào cuộc mạnh mẽ, phát hiện được ngay, cách ly được 17 người tiếp xúc gần với người này” - ông Phu nói.
Đánh giá về tình hình dịch COVID-19 trong thời gian tới, theo vị chuyên gia này, dịch COVID-19 có thể tiếp diễn 1-2 năm nữa, có thể không chấm dứt mà trở nên dai dẳng như cúm hay HIV.
Ông Phu cũng nhận định hiện nay Việt Nam vẫn thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch triệt để. Các biện pháp này được thực hiện từ những ngày đầu có dịch. Do vậy, dịch bệnh được kiểm soát tốt, số ca nhiễm ít, chưa có ca tử vong.
Trước số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 từ nước ngoài về liên tục tăng, nhiều người đặt ra lo ngại về việc quá tải bệnh nhân COVID-19 ở các bệnh viện và cả những điểm cách ly, ông Phu khẳng định ngành y tế vẫn đang đủ năng lực ứng phó.
Ông Phu cho rằng những ca được cách ly ngay khi nhập khẩu thì không đáng lo ngại.
BN91 được chụp CT lần hai
Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, theo Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện sức khỏe của nam bệnh nhân phi công người Anh (BN91) mắc COVID-19 đang điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn.
Ngày 18-5, bệnh nhân được đưa đi chụp CT phổi. Do đang phụ thuộc vào ECMO nên bệnh nhân phải mang cả ECMO theo khi chụp CT phổi.
Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 của BN91 đã âm tính 11 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO.
Như vậy, đây là lần thứ hai BN91 chụp CT scan trong hai tháng điều trị tại bệnh viện. Kết quả X-quang mới nhất cho thấy phổi của bệnh nhân hết tràn khí và còn ít dịch.
Hiện BN91 đã được cấy máu để phân lập virus. Nếu kết quả âm tính, Tiểu ban điều trị đề xuất chuyển bệnh nhân này đến BV Chợ Rẫy điều trị giai đoạn chuẩn bị và chờ ghép phổi.